Phát triển bền vững từ 4 khâu đột phá
Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hòa Bình đã định hình bốn khâu đột phá chiến lược bao gồm: cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; lập và quản lý quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực; và đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Những định hướng này không chỉ giúp tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện.
Về cải cách hành chính, tỉnh đã tích cực, chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Đối với các dự án chậm tiến độ, tỉnh tích cực rà soát và thu hồi để thu hút những nhà đầu tư có năng lực, tiềm năng đầu tư vào tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được thực hiện một cách khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện, ban hành quy chế giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình dự án trọng điểm của tỉnh để sớm đi vào hoạt động.
Về quy hoạch, quản lý quy hoạch, tỉnh Hòa Bình đã lập và tổ chức thành công Hội nghị quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục rà soát, hoàn thiện chỉ tiêu phân bổ đất trong Quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển nhiều tuyến giao thông tăng kết nối, phát triển kinh tế xã hội của Hoà Bình |
Đồng thời, đối các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp tục rà soát, điều chỉnh. Các tiến độ lập, trình, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch trên địa bàn các xã, huyện cũng được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Chỉ đạo thực hiện quy định phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.
Về phát triển nguồn nhân lực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/10/2021 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua định hướng nghề nghiệp gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tỉnh đã huy động và ưu tiên nguồn lực để đầu tư vào kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng vùng động lực, hạ tầng giao thông tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị,... Đáng chú ý, hàng loạt dự án giao thông quan trọng như tuyến đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) đã được triển khai, góp phần thúc đẩy kết nối khu vực và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Từ những nỗ lực vươn mình không ngừng, chỉ trong 11 tháng đầu năm, kinh tế Hòa Bình tiếp tục tăng trưởng vượt bậc với nhiều chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 11 ước đạt 6.986.100 triệu đồng, bằng 173% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 121% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và bằng 209% so với cùng kỳ.
Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hòa Bình được thực hiện tốt |
Thực hiện hiệu quả xây dựng chỉnh đốn đảng, phòng chống tiêu cực
Hòa Bình bên cạnh tập trung phát triển kinh tế đã quan tâm thực hiện đồng bộ các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện nghị quyết này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hòa Bình hiện có hơn 4.000 đảng viên. Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, các tổ chức Đảng đã tập trung lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh; hoạt động các cấp ủy, cơ quan ngày càng đổi mới theo hướng kiến tạo; hành động; hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thực chất và hiệu quả hơn.
Xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, các tổ chức Đảng đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức và chất lượng đội ngũ đảng viên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, vừa là yêu cầu cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài, bền vững.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và tình hình của từng đảng bộ cơ sở.
Công tác giáo dục chính trị được chú trọng thực hiện với nhiều điểm mới. Công tác tuyên truyền được thực hiện sáng tạo, ngoài tuyên truyền trực tiếp thì việc tận dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội để lan tỏa nội dung cũng tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng (71/71 đơn vị trực thuộc có Trang thông tin điện tử, fanpage,...). Công tác lý luận chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và nắm bắt tư tưởng, thông tin, dư luận xã hội được duy trì thực hiện.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng được chú trọng và củng cố; các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; đảng viên được cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo, thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Kết quả cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay bình quân mỗi năm kết nạp thêm khoảng 142 quần chúng ưu tú vào Đảng, xét tuyển Đảng chính thức khoảng 500 đảng viên dự bị. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, xử lý kỷ luật nghiêm minh và giải quyết đơn thư tố cáo kịp thời, đúng quy định; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng.