Hỗ trợ trên 17 nghìn tỷ đồng cho 15,8 triệu người

Triển khai gói hỗ trợ do dịch COVID-19 tại Thanh Hóa Ảnh: Hoàng Lam
Triển khai gói hỗ trợ do dịch COVID-19 tại Thanh Hóa Ảnh: Hoàng Lam
TP - Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa báo cáo Quốc hội tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Dung, tính đến ngày 20/5, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng. Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới ngày 20/5 là 17,5 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng.

Hiện kinh phí hỗ trợ trực tiếp đến được trên 6,7 triệu đối tượng chính sách, với kinh phí thực hiện khoảng 7.126 tỷ đồng. Trong đó có 34 tỉnh, thành phố như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nội… cơ bản chi trả xong. Về nhóm đối tượng người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh cá thể, hiện nay có TPHCM phê duyệt danh sách và chi trả cho 1.202 người lao động, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh với số tiền 1,417 tỷ đồng. Về hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp, từ ngày 1/4 đến hết 20/5, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là trên 192.000 người, tương ứng với số tiền tính theo lũy kế chi trả là gần 2.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm, Bộ trưởng Dung cho biết, tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

Còn tại Ninh Thuận, cán bộ thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh địa phương rút kinh nghiệm và đã chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho đối tượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương và quyết liệt triển khai hỗ trợ đến đúng đối tượng được thụ hưởng. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.