Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/10, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Congo đã tiếp nhận lời đề nghị giúp đỡ của nhiều lao động Việt Nam ở CHDC Congo vì mâu thuẫn với chủ lao động trong các vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt và trả lương.
Trước tình hình đó, Đại sứ quán đã làm việc cơ quan chức năng Congo đề nghị cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương bảo đảm đời sống cho người lao động Việt.
Đại sứ quán cũng liên hệ với cộng đồng người Việt ở Congo để đề nghị họ tạo điều kiện lưu trú tạm thời cho những người đang chờ làm thủ tục, đồng thời khuyến cáo công dân cẩn thận, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đi làm việc theo hợp đồng ở Congo.
Đại sứ quán cho biết, đến thời điểm này, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola làm việc với chính quyền sở tại và đơn vị sử dụng lao động để xử lý vấn đề phát sinh. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp để chuẩn bị biện pháp bảo hộ công dân.
“Một lần nữa chúng tôi khuyến cáo công dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi nhận hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh bị lừa đảo lao động. Khi có vấn đề phát sinh, liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc đường dây nóng bảo hộ công dân”, bà Hằng nói.
Giải cứu lao động bị lừa sang Campuchia
Về thông tin hàng trăm lao động Việt Nam bị lừa sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia đang bị giam tại Osamch Resort giáp biên giới Thái Lan ,bị ép lao động và buôn bán người, bà Hằng cho biết: Theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, trong thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp với chính quyền các tỉnh để triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và giải cứu các lao động bị môi giới lao động lừa đảo sang khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia.
Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, Tổng Lãnh sự quán đã giải cứu và đưa về nước khoảng 100 công dân Việt Nam.
Từ khoảng cuối tháng 9, qua công tác nắm tình hình, Tổng Lãnh sự quán đã làm việc với chính quyền địa phương, phối hợp giải cứu thêm 171 công dân. Sau khi đưa lao động ra khỏi cơ sở trái phép, Tổng Lãnh sự quán đã cử cán bộ hỗ trợ, như nhu yếu phẩm và thực hiện thủ tục để đưa về nước trong thời gian sớm nhất. Ở trong nước, Cục Lãnh sự làm việc với các cơ quan chức năng để sớm xác minh nhân thân và tiếp nhận các công dân từ Campuchia.
Bà Hằng cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với Campuchia đề nghị tăng cường rà soát, truy quét, giải cứu thêm công dân nếu có, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, bảo đảm quyền và lợi ích của các công dân.