Hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch: Chính sách chưa đủ mạnh

Chuyên gia nhận định, chính sách hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 chưa đủ mạnh. Ảnh: minh họa
Chuyên gia nhận định, chính sách hỗ trợ DN trong đại dịch COVID-19 chưa đủ mạnh. Ảnh: minh họa
TP - Các chuyên gia kinh tế đánh giá, chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng đã kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ vẫn còn thấp so với thiệt hại của DN và so với các nước khác. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ hơn. 

Hỗ trợ vẫn còn thấp

Ngày 9/6, tại toạ đàm với chủ đề “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19?”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho hay, DN là trọng tâm để thực hiện phục hồi nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 xảy ra, cộng đồng DN Việt Nam chịu tác động nặng nề, hàng loạt giải pháp của Chính phủ đưa ra như giảm lãi suất cho vay, chính sách gia hạn 4-5 tháng nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, tiền hưu trí.

“Mức độ hỗ trợ của các chính sách quá nhỏ so với thiệt hại của DN và so với mức hỗ trợ của chính phủ các nước cho doanh nghiệp của họ. Chính sách miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí quá ít. Giải pháp hỗ trợ manh mún, không ra tấm ra món. Một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế….”. TS Nguyễn Đình Cung

“Định hướng chính sách đưa ra khá phù hợp như: Hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp tục tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; giảm khó khăn thanh khoản, giảm lãi suất và chi phí khác, giảm gánh nặng thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, đại bộ phận chính sách đang nằm ở khâu “chỉ đạo làm chính sách”. Về văn bản pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ có 1 nghị định, 2 thông tư. Số còn lại chỉ là dạng đốc thúc”, ông Cung nhận xét.

Theo ông Cung, mức độ hỗ trợ quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và so với mức hỗ trợ của chính phủ các nước cho doanh nghiệp của họ. Chính sách miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí quá ít. Giải pháp hỗ trợ manh mún, không ra tấm ra món. Một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế…

Trước thực trạng trên, ông Cung bày tỏ kỳ vọng, cơ quan chức năng có thêm các chính sách khác nhằm hỗ trợ DN như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Cũng theo ông Cung cần miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019. Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020. Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Loại bỏ những chính sách hỗ trợ... vô nghĩa

Theo Tổng cục Thống kê, do tác động của dịch COVID-19, 5 tháng đầu năm 2020, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm hơn 10% về số doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký 557 nghìn tỷ đồng, giảm 16%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 928 doanh nghiệp, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước, đây là những ngành thiết yếu nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành xây dựng giảm 9,8%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,1%. Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 19%. Kinh doanh bất động sản giảm 29,7%.

Cùng với đó, có 26 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng…

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, để hỗ trợ cộng đồng DN hồi phục sau dịch bệnh, các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Chẳng hạn như giảm giá điện đồng loạt hay tiền thuê đất mà không có tiêu chí phân loại rõ ràng sẽ làm kém hiệu quả và tốn nguồn lực. Đối với nhóm DN không hoạt động, không phát sinh doanh thu, các chính sách thuế đối với họ là vô nghĩa. Vì vậy, cần khoanh hoặc ngưng các chi phí tài chính như khoanh nợ, lãi, tiền thuê đất cho đến khi dịch bệnh qua đi, DN hoạt động trở lại thì mới tính đến các biện pháp kích thích tín dụng, kích thích vay nợ đối với nhóm DN này.

Nợ xấu ngân hàng có thể tăng

Phát biểu tại toạ đàm, một nữ doanh nhân ngành bất động sản chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn ngân hàng bởi họ không biết vay vốn để làm gì. Các DN khó khăn thì không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay. Ngoài ra, thanh khoản thị trường bất động sản đang gặp vấn đề. Ngân hàng cho vay bất động sản nhiều, nếu ngành bất động sản “chết”, sẽ khiến ngân hàng khó khăn, nhất là về thanh khoản.

 “Tôi muốn hỏi dự đoán của TS Nguyễn Đình Cung về thị trường bất động sản thời gian tới có khó khăn hơn hay không? Theo ông kịch bản xấu nhất với tình huống bất động sản đình trệ, doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền đình trệ, lãi suất ngân hàng lên cao, nợ xấu nhiều có xảy ra hay không?”, vị doanh nhân này đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi này ông Cung cho rằng, bản chất ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng chỉ hỗ trợ doanh nghiệp khác trong khả năng có thể và không thể vượt quá sức chịu đựng của họ. Muốn hỗ trợ DN, Chính phủ phải có gói hỗ trợ lãi suất cho những ngành bị thiệt hại nhiều nhất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần giảm các loại thuế, phí để DN có thu nhập, có dòng tiền để hồi phục.

“Tôi cho rằng, thời gian tới chắc chắn nợ xấu sẽ gia tăng. Thành quả giải quyết nợ xấu trong gần chục năm qua của ngành ngân hàng sẽ có thể không giữ được. Như vậy, việc giảm lãi suất thấp hơn sẽ khó khăn. Tôi hi vọng, kinh tế thế giới sớm hồi phục, doanh nghiệp xuất khẩu và du lịch của Việt Nam tươi sáng trở lại”, ông Cung nói.  

Không thể chờ hỗ trợ

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, cho đến nay các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều của dịch COVID-19. Đến nay dù đã có các gói hỗ trợ từ Chính phủ nhưng thực tế DN dệt may chưa được hưởng lợi gì và vẫn đang xoay xở để đảm bảo có việc làm cho người lao động.

Theo bà Hạnh, thực tế chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất tốt với DN, bởi với DN lúc này, giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào đều vô cùng quan trọng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, với các DN trong Vinatex, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động mất việc lại không áp dụng được. Theo quy định, để được nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, các DN phải có số lao động bị mất việc làm tới 50%. Trong khi các DN thuộc Vinatex, nếu để mất việc làm tới 50% đồng nghĩa với việc phá sản.

Thục Quyên

Tạo lực mới để thoát khỏi lệ thuộc một vài thị trường 

Hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch: Chính sách chưa đủ mạnh ảnh 1 PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nói về việc phải làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch COVID-19, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có 4 cơ hội phát triển chưa từng có trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Thiên, muốn giải bài toán kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy sau dịch, cần giải một loạt mệnh đề: Làm sao để doanh nghiệp khôi phục lại? Khả năng đứng dậy của doanh nghiệp như thế nào để nền kinh tế phát triển? Tập trung cứu các DN đang rất yếu để hồi sinh nền kinh tế. “Việc giải cứu nền kinh tế phải tập trung vào các doanh nghiệp còn có khả năng vực dậy. Một phần nguồn lực khác cần dành để cứu trợ DN khởi nghiệp vì nếu cứu các DN này nên kinh tế sẽ được “thay máu””, ông Thiên nói.

Theo vị chuyên gia này, dịch COVID-19 đã làm đứt chuỗi kết nối, sản xuất, từ thấp đến cao, trong nền kinh tế, khiến các DN bị tê liệt. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Chính phủ và các DN di chuyển thay đổi cấu trúc. Theo đó, Việt Nam sẽ có các cơ hội để thoát khỏi những tư duy phát triển cũ, trói buộc cũ, thoát khỏi lệ thuộc và vươn lên đẳng cấp mới.

“Để Việt Nam rõ ràng phải tạo tiền đề để thoát khỏi các thị trường cũ. Nền kinh tế Việt Nam hướng tới phải là sáng tạo công nghệ. Chống dịch COVID-19 xong, sau đó phát triển kinh tế với cấu trúc khác”, ông Thiên nói.      

Phạm Tuyên

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.