Hỗ trợ cước viễn thông cho người dân toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khách hàng ở địa phương thực hiện giãn cách xã hội sẽ được tặng 50 phút gọi nội mạng, tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi, tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước là những hỗ trợ của các nhà mạng nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chiều nay (2/8), với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5/8/2021 và kéo dài trong 3 tháng.

Đối với khách hàng trên toàn quốc, sẽ tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà. Miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y Tế, ứng dụng Bluezone.

Ngoài ra, tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mới giá không đổi. Giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.

Viettel, VNPT, Mobifone cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công.

Riêng với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg, tặng thêm 50 phút gọi nội mạng.

Nhà mạng VinaPhone cho biết thêm, sẽ hỗ trợ khách hàng bằng việc không khoá chiều gọi đi đối với thuê bao trả sau chậm nộp cước cũng như không khoá chiều nghe đối với thuê bao trả trước đến kỳ khoá hai chiều.

Bên cạnh các hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nói trên, trong thời gian tới các doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT, CMC sẽ chung tay cùng Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt 17 nền tảng mới hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch với giá trị ước tính gần 2.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ cước viễn thông cho người dân toàn quốc ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ công bố chiều nay (2/8).

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp có phát đạt là do có thị trường tốt, là do người dân, là do đất nước phát triển, là do chế độ ổn định. Một doanh nghiệp nhìn xa trông rộng thì luôn nghĩ đến việc nuôi thị trường phát triển bền vững.

“Lúc thuận lợi là người dân mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và doanh nghiệp phát triển. Lúc người dân khó khăn, như là trong lúc COVID này, thì là lúc doanh nghiệp hỗ trợ lại người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông cho biết thêm, trong lúc khó khăn này, liên lạc viễn thông, Internet nhiều khi là cách thức duy nhất để chúng ta, để chính quyền kết nối được với người dân để hỗ trợ. Không có liên lạc sẽ dẫn đến rất nhiều những cái không khác, trong đó có cái đói. Càng giãn cách xã hội thì nhu cầu kết nối càng cao. Chương trình hỗ trợ, khuyến mại tăng kết nối cho người dân lúc này thực sự hữu ích và thiết thực.

Bên cạnh đó, việc người dân dùng nhiều hơn dịch vụ viễn thông, Internet tức là chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. COVID là cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số. Việc tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng. Nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau COVID.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngành Thông tin và Truyền thông đang căng mình đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo không gian mạng lành mạnh, lan toả năng lượng tích cực, kinh nghiệm tốt về phòng chống dịch, phát triển các nền tảng công nghệ số, các phần mềm để hỗ trợ toàn quốc phòng chống dịch.

Bộ trưởng cho biết thêm, cùng với việc làm hôm nay, ngày mai (3/8), sẽ tổ chức tập huấn toàn quốc gần 20 nền tảng công nghệ số về phòng chống dịch. Đây đều là các nền tảng do các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số Việt Nam phát triển và hỗ trợ.


Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.