Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh
LTS: Tiền Phong trích giới thiệu bộ tài liệu mật do Trung tâm Nghiên cứu Tình báo Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), giải mật hôm 17/3 vừa qua nói về cơn hấp hối của Chính quyền Sài Gòn và những nỗ lực tuyệt vọng của CIA và Đại sứ Mỹ khi cố ngăn chặn kết cục cay đắng cho nước Mỹ, trong những ngày cuối cùng tại Sài Gòn.
Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh ảnh 1
Cuộc tháo chạy khỏi Plâyku về Nha Trang

Ngày 17/3 vừa qua (theo giờ Việt Nam) tại Texas, Trung tâm Nghiên cứu Tình báo thuộc Cục Tình báo T.Ư Mỹ (CIA) vừa giải mật thêm sáu phần của bộ tài liệu mật (có số hiệu C01268717, C01268718, C05260525, C05260526, C053603948 và C05303949 với tổng cộng 1.642 trang) cung cấp chi tiết việc nhúng tay vào các lĩnh vực của CIA tại Việt Nam, Campuchia và Lào suốt những năm từ 1960 đến 1975.

Sử gia Thomas Ahern - cựu  sĩ quan CIA trong 35 năm, về hưu năm 1989, từng có năm nhiệm kỳ hoạt động cho CIA tại châu Á, trong đó có Đông Dương và từng giữ chức Trưởng Văn phòng CIA tại châu Phi, Trung Đông và châu Âu - là tác giả bộ tài liệu mật này.

Ghi chú rằng “bộ tài liệu sáu phần này chỉ phân tích trên quan điểm cá nhân chứ không đại diện cho quan điểm tổng hành dinh CIA hay bất cứ bộ phận nào của cơ quan tình báo này” nhưng, trên cơ sở tài liệu gốc (lưu trữ tại tổng hành dinh CIA) về hoạt động của Văn phòng CIA ở Sài Gòn trong cuộc chiến tranh Việt Nam và các cuộc phỏng vấn các nhân viên then chốt của CIA từng tham chiến ở Việt Nam, Thomas Ahern tái hiện khá trung thực và đưa ra những phân tích sắc sảo đối với hoạt động  của CIA tại Nam Việt Nam.

Bộ tài liệu được Giám đốc Trung tâm Việt Nam học (thuộc ĐH Công nghệ Texas) đánh giá thuộc loại “lâu nay người ta chỉ được thấy trong tiểu thuyết hoặc phim tình báo, song nó hoàn toàn là sự thật sau khi  được giải mật”.

Kỳ I: Sai lầm

Những căn cứ cho thấy kết cục bi thảm chắc chắn sẽ xảy ra đối với quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và việc thất thủ Phước Long (ngày 6/1/1975), Ban Mê Thuột (ngày 12/3/1975), dồn dập xảy ra khiến các nhân viên CIA ở Văn phòng Sài Gòn bứt rứt khó chịu và không khí ấy ngày càng lan rộng.

Dự đoán của trùm CIA ở Sài Gòn Thomas Polgar đưa ra trong báo cáo ngày 26/2/1975 về sự tấn công hạn chế của quân đội Bắc Việt vào mùa xuân (Polgar và Tổng hành dinh CIA đều nhận định Bắc Việt sẽ tấn công vào mùa hè năm 1975 và kéo dài sang năm 1976 để gây áp lực lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ) là hoàn toàn sai lầm.

Ngày 10/3, quân đội Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột, Plâyku cũng bị đe dọa. Donald Nicol, trưởng biệt đội CIA đồn trú tại đây, viết trong báo cáo hàng ngày về  Văn phòng CIA Sài Gòn rằng “tất cả đổ sụp trong một đêm”.

Ngày 12/3/1975,  pháo cao xạ của Bắc Việt bắn hạ một máy bay DC-4 của VNCH ngay ngoại ô Plâyku. Nhưng Nicol không hề nhận được bất cứ phản ứng nào từ Văn phòng CIA Sài Gòn về thông tin trong báo cáo của mình về tình hình xấu đi của quân lực VNCH tại Plâyku, cũng như không hề nhận được yêu cầu hoặc hướng dẫn về khả năng di tản.

Ông ta buộc phải tham khảo ý kiến của Robert Chin, trưởng bộ phận CIA đóng tại Nha Trang. Ngày 13/3, một ngày trước khi Nicol đáp máy bay về Nha Trang, ông ta triệu tập một cuộc họp của tất cả sĩ quan Mỹ đang có mặt tại Plâyku và tất cả đều thấy rõ mối hiểm nguy  về  cuộc tấn công quy mô của quân đội Bắc Việt.

Cuộc họp quyết định một cuộc di tản bằng đường hàng không cho những người đang phục vụ trong quân đội VNCH có nguy cơ bị trả thù.  Đại tá Lê Khắc Lý, tham mưu trưởng Vùng 2 chiến thuật, làm ngắt quãng  cuộc họp bằng cú điện thoại cho Nicol để thông báo tình trạng quân đội VNCH ở Plâyku rất tồi tệ và yêu cầu người Mỹ phải rời  khỏi đây ngay.

Đại tá Lý cũng nhắc đến việc tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 Chiến thuật, sẽ có mặt trong cuộc họp khẩn với Tổng thống Thiệu vào ngày hôm sau tại Cam Ranh. Lý thông báo rằng một kế hoạch hành binh bí mật của tướng Phú đòi hỏi ông ta phải có mặt ở Qui Nhơn, và Lý cam đoan rằng, Nicol  sẽ được giải thích rõ hơn khi tướng Phú trở lại Plâyku.

Nicol lập tức báo với chi nhánh CIA tại Nha Trang về những tin mật vừa thu thập được nêu trên. Ngày 14/3, khi chuẩn bị rời Plâyku, Nicol nhận được tin từ bộ phận CIA tại Nha Trang rằng đơn vị đồn trú tại Qui Nhơn đã xác minh tin của Nicol.

Mặc dù nhân viên CIA ở đó không trực tiếp thấy bóng dáng tướng Phú, nguồn tin của họ quả quyết rằng tướng Phú  đã đến chỉ huy sở của một sư đoàn quân VNCH đồn trú tại Qui Nhơn.

Vài ngày sau, khi Nicol rời Plâyku, một nhân viên CIA là Fred Stephens đã viếng thăm tổng hành dinh Vùng 2 chiến thuật với hy vọng thu thập được tin tức về cuộc họp của tướng Phú tại Cam Ranh. Stephens gặp đại tá Lý nhưng Lý  không đủ thời giờ để thuật lại sự kiện cuộc họp đó vì ngay lúc ấy Tướng Phú bước vào.

Stephens nhận thấy Tướng Phú có vẻ hoảng sợ, nhưng ông ta cũng không hề nhắc đến cuộc họp ở Cam Ranh. Stephens nhận định rằng, chỉ việc bầu đoàn quân đội VNCH tháo chạy khỏi Cao nguyên đã đủ khiến Tướng Phú run rẩy. Vậy là Stephens tay trắng khi rời bộ chỉ huy Vùng 2 chiến thuật.

Sáng hôm sau ông ta nhận ra rằng những chiếc máy bay chiến đấu bình thường vẫn đậu ở sân bay Plâyku đã biến mất. Stephens cũng chứng kiến cảnh tháo chạy hỗn loạn của binh lính ở ngay tại tổng hành dinh Vùng 2 chiến thuật. Stephens mất đứt một tiếng rưỡi đồng hồ trước khi đến được phòng của đại tá Lý.

Lý kéo Stephens ra khỏi phòng và không giấu giếm rằng Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú rút lui khẩn cấp,  bỏ ngỏ Plâyku và Kontum cho Bắc Việt.

Trong trường hợp này Lý dứt khoát phải nghe theo chỉ huy của mình và  giấu quyết định này với người Mỹ. Chia tay Lý, Stephens báo cáo tóm tắt tình hình ngay với Earl Thieme, trưởng phái bộ cố vấn Mỹ ở Vùng 2 chiến thuật, và ông này lập tức điện thoại tới Tướng Phú.

Ông Phú thừa nhận với Thieme những mối đe dọa với tổng hành dinh quân đoàn 2 của ông ta, nhưng không thừa nhận có lệnh rút lui khỏi Plâyku và Kontum. Tuy nhiên Tướng Phú nhắc lại đề nghị mà đại tá Lý đã đưa ra rằng người Mỹ nên rời khỏi Plâyku ngay.

Stephens chắp nối thêm thông tin này vào báo cáo tình báo của ông ta gửi về Văn phòng CIA tại Sài Gòn với đề xuất: Tất cả người Mỹ buộc phải di tản lập tức! Nhưng trùm CIA tại Sài Gòn Polgar vẫn tỏ ra nghi ngờ về bản báo cáo. Trong khi đó Robert Chin đã mất hai nhân viên người Mỹ trong Vùng 2 chiến thuật nên Chin cùng với Moncrieff Spear, Tổng lãnh sự Mỹ tại Nha Trang, thuyết phục Polgar rằng nhân viên Sứ quán  Mỹ được phép di tản tất cả người Mỹ khỏi Plâyku và Kontum.

Chin quyết định trưng dụng máy bay vận tải của hàng không Mỹ và chiếc máy bay đầu tiên đáp xuống Plâyku ngay chiều hôm đó. Stephens và hầu hết cộng sự của ông ta cùng với những cố vấn Mỹ khác lập tức lên chuyến bay đó.

Riêng viên sĩ quan truyền tin của Stephens đồng thời là nhân viên của Nha An ninh Quốc gia VNCH tại Plâyku lại năn nỉ đòi đợi đi chuyến bay thứ hai theo kế hoạch mà người Mỹ đã hứa và ấn định.

Rời Plâyku ngay chiều hôm ấy, cả toán nhân viên CIA đáp xuống Nha Trang cùng với tất cả vũ khí, điện đài, máy truyền tin mã hóa và quân phục nai nịt trên người. Ngay sáng hôm sau, từ trên máy bay Conrad LaGueux, Phó Văn phòng CIA Sài Gòn tận mắt chứng kiến (và chụp ảnh) cuộc tháo chạy hỗn loạn và thê thảm của quân đội VNCH khỏi Cao nguyên trên tuyến đường từ Plâyku về Phú Bổn.

Kỳ II: Đổ lỗi

“Hiện nay ở Nam Việt Nam, có vẻ như là Bắc Việt sẽ không mở một cuộc tấn công ồ ạt, toàn quốc với mức độ như hồi năm 1972”-Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger tuyên bố ngày 14/1/1975 sau khi Phước Long thất thủ.

Báo cáo gửi CIA Mỹ và Kissinger  của trùm CIA ở Sài Gòn Thomas Polgar (ngày 26/2/1975) cũng kết luận: “Cộng sản Bắc Việt sẽ không mạo hiểm đánh một canh bạc được ăn cả, ngã về không là tổng tấn công miền Nam Việt Nam năm 1975”.

Còn nữa
Tô Nam lược dịch

MỚI - NÓNG