Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ XI

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ XI
TP - Mười ngày cuối tháng 4/1975, trong lúc Sài Gòn hoang mang về cuộc di tản đại quy mô thì cả Kissinger và những người Mỹ ở Sài Gòn vẫn miễn cưỡng chấp nhận tin tưởng vào người Mỹ sẽ ra tay định đoạt số phận những người Việt cộng tác với Mỹ.

Kissinger điện cho Polgar vào ngày 19/4 yêu cầu trợ giúp thân nhân của các nhân viên thuộc cả hai Hội đồng an ninh quốc gia. Polgar tuân theo nên  cử Chip Schofield-một chuyên gia thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Quảng Đông, tới Chợ Lớn để tìm Sino- con rể người Việt của một quan chức hội đồng an ninh quốc gia tên là Ken Quinn.

Schofield rất lo lắng cho gia đình người vợ Việt của ông ta, do không nhận được sự bảo đảm từ CIA Sài Gòn, nên ông ta yêu cầu Polgar gửi đến cho họ máy bay vận tải C-130. Đó là yêu cầu chính đáng nên Polgar phải đồng ý. Những chuyến bay đầu tiên đến và toàn bộ trung tâm tùy viên quân sự không chính thức đã di tản sang căn cứ không quân Clark  ở  Philippines.

Theo ước tính của Lầu Năm Góc, sẽ phải cần tới ba sư đoàn lính Mỹ để hỗ trợ cho cuộc di tản của người Mỹ và người Việt làm cho Mỹ, nếu tình hình Sài Gòn tồi tệ hơn  dự đoán.

Trước đó, ngày 17/4, Đại sứ Martin nhận bức điện tối mật từ  Kissinger, trong đó có đoạn “Tôi vừa họp xong để duyệt xét tình hình VNCH. Ông Đại sứ phải biết rằng Ủy ban Đặc biệt Washington hầu như không có ai ủng hộ việc di tản người Việt và việc dùng quân lực Mỹ yểm trợ việc di tản của bất cứ người Việt nào. Quan điểm chung của các giới quân sự, Bộ Quốc phòng và CIA là phải rút ra cho nhanh và ngay lập tức”. Lệnh khẩn cấp ấy khiến Martin phản ứng. 

Martin báo động cho Kissinger là nếu chỉ cho di tản người Mỹ thôi thì rất nguy hiểm. Nhưng Kissinger trả lời: “Mặc dù đồng ý với lo ngại của Đại sứ, điều hết sức cần thiết là Đại sứ phải xúc tiến cho nhanh việc di tản những công dân Mỹ khỏi Nam Việt Nam. Làm sao để vào ngày 22/4, tất cả số công dân Mỹ ở Nam Việt Nam chỉ còn lại cao nhất là 2.000 người mà thôi”.

Có nghĩa là trong vòng chỉ năm ngày, Martin phải di tản khoảng 4.000 người Mỹ. Polgar gửi CIA báo cáo về sự di chuyển nhanh chóng của quân đội Bắc Việt đe dọa trực tiếp Sài Gòn, trong khi quân đội VNCH không còn cơ  tồn tại.

Ngày 19/4, lúc Martin  đang cuống lên thì lại nhận thêm mật lệnh mới từ Kissinger rằng, Tổng thống Ford đã chấp thuận yêu cầu phải giảm số người Mỹ xuống chỉ còn 1.250  vào ngày 22/4 (đây là số lượng  được tính toán để trực thăng có thể bốc đi trong vòng một ngày).

Trong khi Polgar lên danh sách và yêu cầu phân ban CIA Đông Á thu xếp một cuộc di tản cho 3.000 người Việt cộng tác với CIA bằng trực thăng thì Shackley, Trưởng phân ban Đông Á của CIA chỉ thông báo  lệnh của Washington là phải giảm số người Mỹ còn lại ở Sài Gòn tối đa là 1.100 vì các chuyến bay thương mại đến Sài Gòn đã bị ngừng.

Tin tức tình báo của CIA cho thấy dấu hiệu  về việc sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã nằm trong tầm pháo kích của quân đội Bắc Việt, vì vậy Washington thay thế máy bay thương mại bằng trực thăng để đưa người Mỹ di tản. Trực thăng sẽ đậu xuống tòa Đại sứ Mỹ và những nóc các tòa nhà cao tầng ở trung tâm Sài Gòn.

Nhà Trắng đồng ý hỗ trợ hậu cần cho việc di tản năm vạn người Việt. Số người này phải thuộc diện có rủi ro cao độ như Bộ Ngoại giao Mỹ vạch rõ: “Những nhân viên làm việc cho Mỹ và gia đình của họ; thân nhân của công dân Mỹ; viên chức cao cấp trong chính quyền VNCH”.

Trước đó, Quốc hội Mỹ không đồng ý chi tiền cho cho cuộc di tản 174.000 người Việt, vì “sẽ phải cần đến một lực lượng quân đội Mỹ rất lớn trong một cuộc chiến khá dài”. Điều này cũng chính là nỗi lo sợ nhất của Đại sứ Martin.

Thời điểm ấy có rất nhiều kế hoạch điên rồ được đưa ra khiến Martin phải cố ngăn chặn. Để trợ giúp cho cuộc di tản yên ổn, Mỹ có bốn dự định: thứ nhất, mang thủy quân lục chiến vào Sài Gòn để di tản 6.000 người Mỹ và một số ít người Việt; hai, tác động với phía VNCH để tránh tình trạng hỗn loạn vào giờ chót; ba, nhờ cậy Liên Xô dàn xếp với Hà Nội để không cản trở việc Mỹ di tản; bốn, sắp xếp một giải pháp chính trị để có một thời gian chuyển tiếp.

Đó là kịch bản một thảm họa xấu nhất vào giờ chót mà Martin đã làm mọi cách để tránh.

(Còn nữa)

Tô Nam
lược dịch

MỚI - NÓNG