Hồ sơ GS của Bộ trưởng Y tế phải xem xét lại vì có đơn khiếu nại

GS.TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành Y
GS.TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành Y
TPO - Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 1/3, GS.TSKH Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) ngành Y cho biết, hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị xem xét lại bởi có một số đơn thư khiếu nại.

Trong đợt xét GS, PGS ngành y học năm 2017, ngành y dẫn đầu số lượng ứng viên được công nhận: 19 GS, 173 PGS. PGS Khánh cho rằng, số lượng gần 200 tân GS, PGS của ngành y được công nhận trong năm 2017 vẫn là quá ít.

GS,PGS ngành Y là còn quá ít

PV: Thưa GS, liên quan đến việc rà soát công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện HĐCDGS ngành Y đã có kết quả cuối cùng như thế nào?

GS.TSKH Phạm Gia Khánh: Sau khi rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT, Hội đồng ngành Y quyết định giữ 19 hồ sơ trình HĐCDGS nhà nước và Thủ tướng Chính phủ xem xét lại. 

Trước Tết, hội đồng đã rà soát lại và đối tượng tập trung ở 3 đối tượng: có đơn thư khiếu nại, hồ sơ chưa thật chuẩn và đối tượng là cán bộ quản lý và phải rà soát rất kỹ ba đối tượng đó. 

Sau quá trình rà soát thấy 19 người thuộc diện đó thì vẫn đủ các điều kiện của GS, PGS và chúng tôi bảo lưu kết quả của trước đó. 

Hôm thứ 3 vừa rồi, họp HĐCDGSNN thì ý kiến theo chỉ thị của Thủ tướng, mà thời gian rà soát quá ngắn, đúng dịp tết, sợ rà soát chưa thật kĩ càng cho nên chỉ đạo của Thủ tướng là cần rà soát lại cho thật kĩ. Vì thế, HĐCDGSNN kết luận: Những hồ sơ nào thật hoàn thiện, hoàn chỉnh, ứng viên thực sự xứng đáng thì công bố còn những hồ sơ nào chưa thật hoàn thiện, những hồ sơ có đơn thư kiện cáo, hồ sơ là cấp bộ quản lý để lại để rà soát lại lần nữa, có thể công bố sau 1 tháng. Đó là đề nghị của hội đồng trình Thủ tướng và nếu Thủ tướng đồng ý sẽ làm theo phương án đó. 

10% GS, PGS là quan chức ngành Y tế

PV: Trong 192 ứng viên PGS, GS phải rà soát kĩ thì phần nhiều là quan chức ngành y tế, đúng không thưa GS?

Trong 192 tân GS, PGS được công nhận năm 2017, có 19 ứng viên thuộc diện phải rà soát kỹ. Trong danh sách 19 ứng viên bị tập trung rà soát kỹ, có đến 11 quan chức ngành y tế: bộ trưởng, cục phó, vụ phó, giám đốc sở.

PV: Với số lượng gần 200 GS, PGS thì theo ông có phải là quá nhiều không, thưa GS?

Số lượng GS, PGS ngành Y bao giờ cũng cao nhất trong tất cả các ngành. Năm 2017, ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS  không có gì đột biến. Trong năm 2017 có tăng với năm 2016 là 1,53%, tức là gấp rưỡi là hoàn toàn hợp lý; toàn quốc tăng 1,7 % thì ngành Y tăng 1,5% là không phải con số quá lớn. 

Thứ nhất, số lượng 192 ứng viên đạt chuẩn GS, PGS ở ngành y không phải là nhiều so với nhu cầu của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.

Thứ 2, mỗi một năm có khoảng 15-17 GS ngành Y được công nhận. Số lượng này không phải là nhiều vì nhu cầu về GS ngành Y hiện đang còn thiếu nhiều lắm. 

Một số giáo sư bình luận là giáo sư ở Việt Nam được phong “loạn xạ”. Tôi không hiểu sao lại nói như vậy. 

Tôi lấy ví dụ, trường ĐH Y Hà Nội có 8-9.000 sinh viên mà chỉ có 16 GS, ĐH Y TP.HCM chỉ 12 GS, còn các trường khác chỉ 1-2 GS (ĐH Y hải Phòng: 1 GS,  ĐH Thái Bình: 2 GS,... 

Con số này so với thế giới thì số lượng này là quá ít. Khi tôi sang làm việc ở trường ĐH của Đức, có trường  có 4.000 sinh viên nhưng có tới 109 GS.

Nhiều người cho là nhiều nhưng theo tôi thì đây là số lượng quá ít.

Bộ trưởng không cần phải là GS và PGS  

PV: Trước đó, ông có khẳng định là hồ sơ của Bộ trưởng Tiến đầy đủ và đạt yêu cầu, vậy vì sao kết luận cuối cùng lại giữ lại xem xét hồ sơ này?

Lần đầu, khi có chỉ thị của Thủ tướng rà soát lại các hồ sơ xem chuẩn không thì Hội đồng ngành y đã tiến hành xem xét các đối tượng thuộc 3 nhóm: thứ nhất là các ứng viên có đơn thư khiếu nại, thứ 2 là các ứng viên trong quá trình làm việc tổ thanh tra của Bộ GDĐT thấy hồ sơ chưa chuẩn và thứ 3 là cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Tiến thuộc 2 diện là cán bộ quản lý và có đơn thư khiếu nại nên phải để lại hồ sơ và rà soát kỹ. Đây là việc tôi cho là hợp lý vì đây là trường hợp được quan tâm nhiều và chưa thỏa đáng. Nếu sau một tháng rà soát lại, nếu không đủ điều kiện thì thôi còn nếu đủ thì phải công nhận cho người ta. Nhưng công nhận rồi thì chưa chắc đã là xong vì sau vài tháng, vài năm phát hiện ra vấn đề nọ, vấn đề kia thì vẫn xem xét được mà thì vẫn có thể tước bỏ.

PV: Đánh giá của GS và hội đồng về hồ sơ ứng viên chức danh GS của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thế nào?

Hồ sơ của Bộ trưởng Tiến về các tiêu chí của một GS theo quy định hiện hành thì hồ sơ của chị là ở mức cao. 

Thí dụ, hai tiêu chí quan trọng là về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến có 2 đề tài cấp Nhà nước đã nghiệm thu và số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6 và 15 đề tài cấp cơ sở. Như vậy, về đào tạo và nghiên cứu khoa học rất cao.

Về tiêu chí giảng dạy Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, hướng dẫn 4 thạc sĩ lấy bằng và hiện tại đang hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh. 

Vấn đề thứ ba rất quan trọng là chị Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38 điểm), Trong khi đó điểm tiêu chuẩn chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.

Chị Tiến cũng tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Về sách, Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo, viết 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 cuốn sách hướng dẫn. Như vậy, tham gia chủ biên, viết 10 cuốn sách.

Tất cả các yếu tố đó, hội đồng bỏ chị ấy đủ tiêu chuẩn ở mức cao tuy rằng số phiếu không tuyệt đối nhưng những điểm vừa rồi rất xứng đáng là GS. 

PV: Dư luận cho rằng tiêu chí xét tuyển ứng viên GS, PGS của nước ta đang khá thấp. Với quy định mới sắp tới là phù hợp chưa, thưa GS?

Mỗi một ngành khác nhau thì có tiêu chí khác nhau vì thế xây dựng tiêu chí GS, PGS là cực kì khó. Trong hai năm vừa rồi nhiều lần HĐCDGSNN và các trường đại học, dư luận xã hội xã hội góp ý cho quy định 174 và đến bây giờ vẫn chưa trình được Chính phủ. Nói như vậy để thấy việc khó trong việc xây dựng tiêu chí GS, PGS. Bởi vì sao, vì nhiều ngành khác nhau thì không thể có một tiêu chí chung cho tất cả các ngành. 

Theo tôi nghĩ, đối với ngành Y thì tiêu chí hiện hành như vừa rồi cũng là là được. Nếu sang năm có tăng thì một vài chỉ số tăng lên. Với tiêu chí vừa rồi thì lượng GS chỉ  có 60-70 và lượng PGS chỉ 600-700 thì vẫn là quá thiếu.  Không bao giờ mới đủ tiêu chuẩn GS, PGS cho trường đại học vì  theo tôi một trường ĐH Y tối thiểu phải có 50 giáo sư. Mỗi trường ĐH Y phải có trên 50 bộ môn, mỗi bộ môn phải có 1 GS đứng đầu.

Giờ trường ĐH Y của mình trung bình chỉ có 1-3 GS thì làm sao để phấn đấu có được 50 GS trên một trường bây giờ. Đây là việc vô cùng khó khăn. Nếu tiêu chí cao thì khó cho các giảng viên phấn đấu.

PV: Theo ông thì chức danh Bộ trưởng có cần học hàm GS và PGS không?

Theo tôi chức danh này không cần phải là GS và PGS  nhưng nếu Bộ trưởng đạt được thì rất tốt, rất đáng trân trọng. 

Bộ trưởng là người đứng đầu đương nhiên sẽ bận trăm công nghìn việc nhưng dưới Bộ trưởng là các Thứ trưởng, cục, Vụ, chuyên viên và bao nhiêu cán bộ hỗ trợ cho nên nếu Bộ trưởng ôm đồm, người quản lý kém thì lúc nào cũng bận rộn nhưng Bộ trưởng biết cách quản lý điều hành thì họ vẫn có thời gian nghiên cứu và giảng dạy.

Xin cảm ơn ông!

 

MỚI - NÓNG