Giới chức Mỹ tin rằng, ít nhất 1 trong hai quan chức ngoại giao Trung Quốc là sĩ quan tình báo đội lốt ngoại giao, sáu người biết về vụ trục xuất nói. Hai người bị trục xuất trước đó làm việc, sinh sống tại Mỹ cùng với vợ của họ.
Khi vụ xâm nhập căn cứ quân sự xảy ra hồi tháng 9, quân nhân Mỹ đuổi theo hai người Trung Quốc nhưng không kịp. Cuối cùng, hai người chỉ dừng lại khi bị các xe cứu hoả chặn đường.
Hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao
Vụ việc làm gia tăng mối lo ngại trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump rằng, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực do thám ở Mỹ khi hai nước ngày càng đối đầu về địa chính trị và kinh tế.
Giới chức tình báo Mỹ nói rằng, Trung Quốc gây ra mối đe doạ gián điệp lớn hơn bất kỳ nước nào. Những tháng gần đây, quan chức Trung Quốc mang hộ chiếu ngoại giao dạn dĩ hơn trong việc bất ngờ xuất hiện tại các cơ sở nghiên cứu, đơn vị quân đội hoặc cơ quan chính phủ của Mỹ.
Việc trục xuất mới nhất (lần trước đó Mỹ trục xuất hai nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc năm 1987) chứng tỏ chính phủ Mỹ đang có cách hành xử cứng rắn hơn với các đối tượng bị tình nghi là gián điệp Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói.
Ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu họ thông báo trước khi gặp gỡ quan chức bang, quan chức địa phương, trước khi tới thăm các cơ sở nghiên cứu, giáo dục.
Lúc đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng, quy định mới là để đáp lại quy định mà Trung Quốc đưa ra nhiều năm trước với nội dung yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép mới được đi ra khỏi thành phố họ đang sống và làm việc hoặc tới thăm một số cơ quan, đơn vị nhất định.
Hồi tháng 10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói rằng, quy định mới của Mỹ “vi phạm Công ước Vienna”.
Tuần trước, hai nhà ngoại giao Mỹ nói rằng, Mỹ đã cân nhắc hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc vì ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi chính phủ Mỹ trả đũa quy định của Trung Quốc và vụ xâm nhập căn cứ quân sự là giọt nước tràn ly.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington. Ảnh: NYT.
Xâm nhập căn cứ quân sự có đơn vị đặc nhiệm
Vụ xâm nhập xảy ra cuối tháng 9 tại một căn cứ quân sự gần thành phố Norfork. Căn cứ này có các đơn vị đặc nhiệm. Một số căn cứ trong khu vực có những đơn vị như vậy, trong đó một căn cứ có tổng hành dinh của biệt đội hải quân SEAL 6.
Những người được báo cáo về vụ xâm nhập nói rằng, hai quan chức Trung Quốc cùng vợ của họ lái xe tới trạm kiểm soát lối vào căn cứ. Nhận thấy họ không được phép vào căn cứ, lính gác bảo họ tuân thủ quy trình là đi qua cổng, quay đầu xe rồi rời khỏi căn cứ.
Tuy nhiên, nhóm người Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào căn cứ và chỉ dừng lại khi bị các xe cứu hoả chặn đường. Họ nói mình không hiểu chỉ dẫn của lính gác và đi lạc.
Giới chức Mỹ không tin lời giải thích này. Vẫn chưa rõ nhóm người Trung Quốc định làm gì ở căn cứ quân sự nhạy cảm, nhưng một số quan chức Mỹ cho rằng, người Trung Quốc muốn kiểm tra an ninh tại căn cứ. Nếu vào được căn cứ Mỹ một cách dễ dàng, Đại sứ quán Trung Quốc có thể cử một sĩ quan tình báo cấp cao hơn tới căn cứ.
Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc than phiền với Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ trục xuất và hỏi rằng, liệu có phải Mỹ trả đũa chiến dịch truyền thông của Trung Quốc nhằm vào nhà ngoại giao Mỹ Julie Eadeh hồi tháng 8.
Thời điểm đó, báo chí nhà nước của Trung Quốc đồng loạt cáo buộc bà Eadeh, cố vấn chính trị tại Hong Kong, là “bàn tay đen” đằng sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở đặc khu này. Chi tiết đời tư cá nhân của bà bị tung lên mạng. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ gọi Trung Quốc là một “chế độ côn đồ”.
Đến nay, Trung Quốc chưa trả đũa bằng cách trục xuất người của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, có lẽ vì họ hiểu rằng hai quan chức Trung Quốc ở Mỹ đã hành xử quá mức.
Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong hồi tháng 9. Ảnh: NYT
Trận chiến phản gián kéo dài
Năm 2016, các sĩ quan Trung Quốc ở Thành Đô bắt có một quan chức Lãnh sự quán Mỹ mà họ tin đó là sĩ quan CIA. Họ thẩm vấn vị quan chức và buộc ông này thú nhận. Ngày hôm sau, các đồng nghiệp của vị quan chức Mỹ tới giải cứu và đưa ông khỏi Trung Quốc.
Giới chức Mỹ đe doạ trục xuất những người bị tình nghi là điệp viên Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Nhưng cuối cùng, Mỹ không làm vậy.
Nhiều thập kỷ qua, các quan chức phản gián tìm mọi cách để xác định những người làm việc tại đại sứ quán, lãnh sự quán dưới mác ngoại giao nhưng kỳ thực là điệp viên, rồi cử người theo dõi họ. Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc tăng cường công tác phản gián này.
Evan Medeiros, giám đốc phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói rằng, ông không thấy bất kỳ nhà ngoại giao hoặc điệp viên có vỏ bọc ngoại giao nào của Trung Quốc nào bị trục xuất trong nhiệm kì của Tổng thống Obama. “Điều đó có thể có nghĩa rằng, phần lớn thời gian trong 40 năm đầu, tình báo Trung Quốc không hung hăng lắm”, ông Medeiros nói.
“Nhưng điều đó đã thay đổi khoảng 10 năm trước. Tình báo Trung Quốc trở nên tinh vi và hung hăng hơn, kể cả trong hình thức người thật việc thật và hình thức điện tử”, ông nhận xét.
Năm nay, một sinh viên Trung Quốc bị kết án 1 năm tù vị chụp ảnh một đơn vị tình báo quốc phòng Mỹ gần thành phố Key West, bang Florida. Tháng 9/2018, sinh viên Zhao Qianli bước tới hàng rào bao quanh căn cứ tình báo quân sự và kết thúc ở bờ biển. Anh ta đi vòng quanh hàng rào, ra bãi biển rồi đi bộ vào căn cứ, chụp một số bức ảnh, trong đó chụp khu vực có ăng-ten và chảo vệ tinh.
Khi bị bắt, Zhao nói tiếng Anh không chuẩn và giống các quan chức Trung Quốc xâm nhập căn cứ quân sự ở Virginia, anh ta nói mình bị lạc đường.
Đánh cắp hạt giống
Các công dân Trung Quốc bị bắt không chỉ khi đang lang thang tại các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của chính phủ Mỹ mà còn bị bắt khi xâm nhập các phòng thí nghiệm trường đại học, thậm chí đi qua các vùng đất nông nghiêph để đánh cắp các hạt giống lai đặc biệt.
Năm 2016, một người đàn ông Trung Quốc tên là Mo Hailong, nhận tội cố đánh cắp các hạt ngô giống từ các công ty nông nghiệp Mỹ và đưa hạt cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Trước khi hị bắt, Mo đã đánh cắp thành công một số hạt ngô lai và gửi về Trung Quốc. Mo bị kết án 3 năm tù.
Hiện nay, FBI và Viện Y tế quốc gia của Mỹ đang tìm cách lật mặt các nhà khoa học ở Mỹ đang đánh cắp các kết quả nghiên cứu y sinh cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
FBI cũng cảnh báo các cơ quan nghiên cứu về các nguy cơ đến từ học giả, sinh viên Trung Quốc.
Tháng trước, Jerry Chun Shing Lee, cựu sĩ quan CIA, bị toà án Mỹ kết án 19 năm tù. Ông này là một trong vài cựu quan chức tình báo Mỹ bị kết án trong năm nay vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Công việc của Lee với tình báo Trung Quốc trùng thời điểm mạng lưới người báo tin của CIA ở Trung Quốc bị triệt phá. Đó là một trong những vụ phản gián lớn nhất chống lại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Từ năm 2010 tới 2012, phía Trung Quốc hành quyết ít nhất một tá người báo tin và bỏ tù nhiều người khác.
Nhiều người trong CIA lo ngại rằng, Trung Quốc có nội gián trong cơ quan này. Một số sĩ quan CIA tình nghi Lee là nội gián dù các công tố viên không liên kết ông này với sự sụp đổ của mạng lưới người cấp tin.
Jerry Chun Shing Lee, cựu sĩ quan CIA, bị toà án Mỹ kết án 19 năm tù. Ảnh: Getty Images.