Đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 giao lưu với bạn đọc Tiền Phong

Họ nói về khát vọng vươn lên như thế nào?

TBT Lê Xuân Sơn tặng hoa các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 tham gia giao lưu. ảnh: Như ý
TBT Lê Xuân Sơn tặng hoa các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 tham gia giao lưu. ảnh: Như ý
TP - Sáng 14/3, tại tòa soạn báo Tiền Phong diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với 5 bạn trẻ lọt vào top 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 với chủ đề “Người trẻ và khát vọng cống hiến”.

Vươn lên đỉnh cao

Phát biểu tại buổi giao lưu, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết, để bạn đọc có cơ sở để bình chọn, đồng thời giới thiệu, tôn vinh và khuếch trương những nỗ lực, thành tích nổi bật của 20 Gương mặt trẻ Việt Nam xuất sắc, lần lượt các báo điện tử Thanh niên, Vietnamnet và Tiền Phong tổ chức giao lưu trực tuyến giữa các đề cử và bạn đọc. 

“Chúng tôi chọn chủ đề cuộc giao lưu “Người trẻ và khát vọng cống hiến” xuất phát từ suy nghĩ chỉ có khát vọng cao cả mới khiến người trẻ sống và cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân và cho cuộc sống này. Hàng triệu thanh niên Việt Nam đang tràn đầy khát vọng cống hiến và vươn lên, mà những người được đề cử hôm nay nằm trong số những người tiêu biểu nhất”, ông Lê Xuân Sơn nói.

Họ nói về khát vọng vươn lên như thế nào? ảnh 1

Đại úy Mai Hoàng

Tham gia giao lưu trực tiếp tại tòa soạn có Đại úy Mai Hoàng (Sơn La), Giám đốc khuyết tật Lại Văn Điệp (Thái Bình), Mai Văn Phương (kỹ sư trưởng bộ phận nguồn nổ tàu Bình Minh 02), Nguyễn Trọng Thủy (Hà Tĩnh). Đỗ Phương Mai đang học ở Nga nên giao lưu trực tuyến qua thư điện tử.

“Điều quan trọng là phải có tâm lý ổn định, bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống, kể cả với những tình huống đối mặt tội phạm sử dụng vũ khí nóng, một cảm xúc rất khác biệt. Nếu các bạn muốn có cảm xúc đó, hãy thi vào ngành công an”.

Đại úy Mai Hoàng

Dù đi lại khó khăn, phải có người hỗ trợ nhưng anh Lại Văn Điệp vẫn có mặt ở tòa soạn báo Tiền Phong từ sớm để chuẩn bị cho giao lưu. Anh Điệp nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc, trong đó nhiều câu hỏi chia sẻ và cảm phục tinh thần, nghị lực của anh. Trả lời câu hỏi của bạn đọc Mai Xuân “Hiện nay, có một bộ phận người trẻ có cơ thể khỏe mạnh phát triển bình thường, nhưng tâm hồn lại “khuyết tật” sống ích kỷ, yếu đuối, hay ỷ lại. Theo anh lý do “khuyết tật” của họ là gì?”. 

Họ nói về khát vọng vươn lên như thế nào? ảnh 2

Anh Lại Văn Điệp (trái)

Anh Điệp cho rằng, lý do chính là một bộ phận người trẻ không nhìn nhận chính mình, không dám đối diện sự thật và đổ lỗi cho thực tế. “Tôi có hình thể khiếm khuyết nhưng trái tim tôi không khuyết tật. Tôi dám đối diện sự thật rằng, tôi không may mắn, tôi luôn nỗ lực vươn lên, khát khao cháy bỏng được vươn tới đỉnh cao”, anh Điệp nói. 

Với khát khao ấy anh Điệp chọn nghề gỗ truyền thống để lập nghiệp và tận dụng thế mạnh của người khuyết tật là say mê, tỉ mỉ anh đã thành công. “Nếu cho họ tiền họ sẽ tiêu hết. Cho họ cái nghề họ sẽ nuôi sống bản thân, gia đình. Tôi chọn việc tạo nghề. Sản phẩm của người khuyết tật làm ra cũng không thua kém gì người bình thường. Tôi mong rằng, những việc làm của tôi sẽ làm vơi đi nỗi mặc cảm của những người khuyết tật”, anh Điệp chia sẻ.

Nguyễn Trọng Thủy đi cùng bố từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Dù nhỏ tuổi nhưng Thủy đã có nhiều thành tích trong sáng tạo mà thành công xuất phát từ đam mê tìm tòi, khám phá. Thủy chia sẻ với bạn đọc khi được hỏi về sở thích sáng tạo: “Vì đam mê nên những đồ vật trong nhà em thường bị tháo rời để tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý vận hành các máy móc.

Thỉnh thoảng có một số thứ tháo ra cũng không thể lắp lại được,... nghịch nhiều quá nên đôi khi cũng bị bố mẹ phàn nàn. Sở thích sáng chế các mô hình của em bắt đầu khi học lớp 5, cách đây 2 năm, thường là em mày mò một mình. Vì xem qua tivi, đài báo, trên mạng nên em bắt đầu có sở thích này, bởi em cũng rất thích thú với những đồ công nghệ”. Thủy luôn mong muốn những sáng chế của mình có thể ứng dụng thực tế và theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin.

Luôn hết mình dù hiểm nguy

Đại úy Mai Hoàng đem lại những tò mò cho bạn đọc về những kỷ niệm phá án. Anh chia sẻ ấn tượng trong một lần giải cứu con tin. Có một vụ bắt đối tượng bắt cóc đòi người nhà phải mang 5 bánh ma túy và 500 triệu đồng đến chuộc bé gái Sòng Thị Giang trú tại bản Lũng Xá, xã Lóng Luông. Mai Hoàng được giao nhiệm vụ làm trinh sát bí mật. 

“Tôi có hình thể khiếm khuyết nhưng trái tim tôi không khuyết tật, tôi dám đối diện với sự thật rằng tôi không may mắn. Tôi luôn nỗ lực vươn lên, khát khao cháy bỏng được vươn tới đỉnh cao”.

Lại Văn Điệp

Vụ án được phá thành công, giải cứu được bé gái đó là kỷ niệm sâu sắc đối với Mai Hoàng trên mảnh đất Sơn La. Mai Hoàng chia sẻ, làm công an, khó nhất là đưa ra quyết định trong quá trình đấu tranh với tội phạm, làm sao để hiệu quả trong chiến đấu mà lại đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia bắt giữ. 

Khi được hỏi, “cảnh sát chống ma túy phải có tâm lý vững và thần kinh thép?”, Mai Hoàng chia sẻ: “Điều quan trọng là phải có tâm lý ổn định, bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống, kể cả với những tình huống đối mặt tội phạm sử dụng vũ khí nóng, một cảm xúc rất khác biệt. Nếu các bạn muốn có cảm xúc đó, hãy thi vào ngành công an”.

Kỹ sư trưởng Mai Văn Phương cũng cho rằng, luôn cố gắng hết mình và làm tốt công việc dù là nhỏ nhất đồng thời cần có sự tự tin, tỉ mỉ, dũng cảm đối diện với tất cả các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Trả lời câu hỏi của bạn đọc về cuộc sống trên biển và những khó khăn, áp lực, anh Phương chia sẻ: “Đi biển dài ngày, nhiều áp lực, nhưng chúng tôi không có thời gian để buồn, chán”. 

Nói về con đường đến với tàu Bình Minh 02, anh cho hay: “Tôi chọn làm việc ở tàu Bình Minh 02 là chọn thử thách, nhưng thử thách luôn làm thay đổi bản thân và tạo ra những cơ hội tốt hơn. Bởi vậy tôi chọn đi theo tiếng gọi của biển cả, của niềm tự hào về một con tàu địa chấn đầu tiên ở Việt Nam”.

Được chọn là gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Đỗ Phương Mai chia sẻ với bạn đọc nhiều thông tin về sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, về âm nhạc thị trường. Phương Mai cho biết: “Hiện nay âm nhạc Việt Nam đang phát triển theo xu hướng mở, do sự du nhập của âm nhạc nước ngoài cũng như cảm nhận từ nhiều phía với cách suy nghĩ của các bạn trẻ. Chúng ta không thể bắt các bạn trẻ dừng nghe nhạc thị trường hay ngừng sáng tác những bài hát với ca từ dễ dãi vì đó là xã hội”. 

Đang theo học cao học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Nga mang tên Gnesin, Phương Mai cho biết, sinh viên Việt Nam ở Nga được đánh giá rất chăm chỉ và có ý thức. Khi được hỏi về dòng nhạc cổ điển mà Phương Mai theo đuổi đang ít người nghe, Phương Mai cho rằng: “Ở Việt Nam vẫn ít người nghe và không thể một sớm một chiều là có thể đưa thể loại này đến với công chúng một cách nhanh chóng. Trở về nước tôi sẽ về giảng dạy tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và phát triển một số dự án âm nhạc của mình”.

Cuộc bình chọn qua mạng chọn ra 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 sẽ kết thúc vào ngày 18/3. Sáng 19/3, Hội đồng bình chọn giải thưởng sẽ họp và chọn ra 10 gương mặt xuất sắc nhất.

Mời bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013

Việc bình chọn 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 đang được tiến hành khẩn trương. Một trong những kênh bình chọn là bình chọn qua mạng, đang được thực hiện qua các báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn), Thanh Niên (thanhnien.com.vn), Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Riêng trên VietNamNet (vietnamnet.vn), việc bình chọn bắt đầu từ 10/3.

Để góp phần tôn vinh những gương mặt tiêu biểu nhất của Tuổi Trẻ Việt Nam, hãy truy cập vào các báo điện tử trên để bình chọn.

BTC

MỚI - NÓNG