“Hộ nghèo rơi nước mắt”: Đe nẹt người dân và báo cáo sai

TP - Liên quan những sai phạm trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị báo chí phanh phui, lãnh đạo thôn, xã ở đây bị tố cáo đe nẹt dân, viết báo cáo sai.

Thừa nhận báo viết đúng nhưng lại báo cáo sai

Tại buổi làm việc với báo chí ngày 31/7, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về các nội dung mà báo Tiền Phong đã nêu tại xã Tân Thủy, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, thừa nhận là báo viết đúng và cảm ơn báo chí đã quan tâm phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

“Hộ nghèo rơi nước mắt”: Đe nẹt người dân và báo cáo sai ảnh 1 Chị Dinh nói mình bị ép sao chép lại văn bản do cán bộ thôn viết sẵn

Theo đó, ông Năm cùng PV chốt lại các nội dung chính mà báo Tiền Phong đã nêu: Có việc nâng khống chiều dài con đường ở thôn Tân Lỵ từ 590m lên trên 1.000m trong hợp đồng thi công giữa chủ tịch xã và nhà thầu; có việc thu lại tiền cứu trợ bão lụt, quà Tết Nguyên đán của gia đình khó khăn để khấu trừ vào tiền làm đường nông thôn mới; riêng việc cào bằng trong đóng góp đối với người tàn tật, tâm thần, đau ốm thập tử nhất sinh, hộ nghèo rớt mồng tơi..., ông Năm cho rằng, thôn, xã không sai, mà chỉ là không phù hợp.

Theo ông Năm, việc đóng góp xây dựng nông thôn mới cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn để làm cơ sở, mà chỉ dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện của người dân. “Cho nên không thể nói các thôn và xã Tân Thủy cào bằng trong đóng góp là sai. Ở đây chỉ có thể nói làm như thế là chưa phù hợp với đạo đức, nhân văn cũng như chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”, ông Năm nói.

Khác với sự khách quan, cầu thị của ông Năm tại buổi làm việc với PV các cơ quan báo chí, cũng ngay trong ngày 31/7, chính ông Năm lại ký một văn bản “báo cáo” gửi UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, báo chí viết không đúng thực tế. Đồng thời gửi kèm theo các bản “cam kết” của những người dân từng phát biểu với báo chí (hình thức lấy lời khai hoặc tự viết), khẳng định họ không nói như vậy, báo chí đã bịa đặt, vu khống, cần phải nghiêm trị những người viết bài.

Báo cáo do ông Năm ký viết: “Có nội dung, khía cạnh báo nêu là đúng, tuy nhiên có nhiều khía cạnh, thông tin báo nêu chưa chính xác, chưa đúng thực chất của vấn đề, có phần mô phỏng so với thực tế”. Và để chứng minh điều đó, ông Năm đóng mở ngoặc: “(UBND huyện xin gửi kèm theo bản viết ghi lại ý kiến các hộ gia đình)”.

Mù chữ cũng có bản cam kết viết tay

Chúng tôi đã mang theo các bản cam kết viết tay đến từng nhà người dân đối chứng. Bà Phạm Thị Lướt (người được nhắc đến trên báo, khi phải đi vay nóng với lãi suất cao để đóng tiền làm đường, đồng thời mẹ bà gần chết cũng phải đóng một suất) đã khóc khi nghe chúng tôi đọc bản cam kết của bà được huyện Lệ Thủy gửi lên tỉnh Quảng Bình, rằng: Không có chuyện vay nóng với lãi suất cao, không có chuyện mẹ bà sắp chết phải nộp tiền làm đường... Gạt hai hàng nước mắt, bà Lướt kể: Từ khi báo chí đăng bài, bà bị một sức ép ghê gớm từ phía chính quyền địa phương. Dù rất sợ nhưng bà vẫn kiên quyết nói sự thật.

“Hộ nghèo rơi nước mắt”: Đe nẹt người dân và báo cáo sai ảnh 2 Bà Lướt rơi nước mắt khi kể lại mình bị cán bộ thôn xã đe nẹt, ép ký vào văn bản

“Hôm đó tui đang ở nhà thì thấy lãnh đạo thôn đi cùng với công an vào nhà, nói “răng mi nói tầm bậy tầm bạ với nhà báo”. Tui nói, mấy chú nhà báo hỏi chi thì tui nói rứa, tui nói đúng sự thật. Họ nói tui nói rứa là ảnh hưởng đến thôn, đến xã và bắt tui viết cam kết là không nói với báo chí như rứa. Tui nói, tui không viết, làm rứa là trái đạo đức tui không làm được. Một người trong đoàn gọi điện thoại cho ai đó nói “hắn không chịu viết... mình viết rồi bắt hắn ký à?”. Rồi họ ngồi viết. Viết xong, tui đang nấu cơm trong bếp thì họ đưa vô nói, cứ ký đi không ảnh hưởng chi mô mà sợ”, bà Lướt kể.

Theo bà Lướt, không chỉ bà phải đi vay 5,4 triệu đồng để đóng tiền làm đường, lãi suất 1 triệu đồng/1.000 đồng/ngày, mà ngay cả khi mẹ bà đã chết, thôn cũng bắt đóng góp tiền làm đường vì họ nói mẹ bà còn nợ từ năm trước để lại, dù bà đã nhiều lần xin miễn. Trường hợp bà Dương Thị Ích, già yếu, ở trong ngôi nhà rách nát vẫn bị thôn bắt đóng tiền làm đường, cũng có bản cam kết do con gái viết. Bà Lê Thị Dinh, con gái bà Ích, nói: “Ông Thận, công an xã đến nạt nộ, rồi bắt tui chép lại y nguyên một bản mà họ đã viết sẵn từ trước”.

Ông Dương Văn Điệp, 42 tuổi, vợ chết, hai cha con ở với nhau. Ông Điệp mù chữ, lại bị đau cột sống nên kinh tế rất khó khăn. Tài sản có giá trị nhất trong nhà ông chỉ là chiếc giường hai cha con nằm ngủ và chiếc bàn cũ nát do gia đình nhà ngoại cho từ trước. Đến ghế ngồi cũng không có. Ông nói đã phải nhịn ăn, nhịn mặc để nộp cho thôn 1,6 triệu đồng, nhưng vẫn bị thôn khấu trừ tiền cứu trợ dịp Tết Nguyên đán. 

“Hộ nghèo rơi nước mắt”: Đe nẹt người dân và báo cáo sai ảnh 3 Ông Điệp khẳng định mình không biết chữ, nên không ký vào văn bản nào hết

Trong văn bản gửi tỉnh Quảng Bình, dưới hình thức lấy lời khai, ông Điệp cho rằng, mình chưa nộp đồng nào vì điều kiện hộ nghèo. Còn về suất quà là do con đi nhận, ông Điệp không biết gì. Cuối văn bản có chữ ký và tên do ông Điệp viết. “Tui không nói rứa, tui không viết rứa. Tui mù chữ cả làng ni ai cũng biết, răng mà tui ký với viết tên tui được. Tui nộp một triệu sáu trăm nghìn đồng rồi răng họ nói tui chưa nộp được hè! Từ khi tui nói với báo chí, họ đòi đuổi tui ra khỏi làng vì tui ở rể. Ông trưởng thôn còn nói “cơm gạo mi ăn là do tau cho, mi đừng có láo, tau mà nắm tay lại là mi chết ngay tức khắc”, ông Điệp phản ánh.

Nhiều trường hợp khác có bản “cam kết” tố cáo với chúng tôi rằng, họ đã bị thôn, xã mạo danh, hoặc bị ép ký khi không biết nội dung là gì. Khi chúng tôi phản ánh nội dung này với ông Nguyễn Quang Năm, ông cho rằng, ai làm sai thì người ấy phải chịu trách nhiệm. Ông Năm nói rằng bản báo cáo ông ký gửi UBND tỉnh Quảng Bình là do thôn, xã báo cáo lên, ông và lãnh đạo huyện chưa có ai xuống Tân Thủy để kiểm tra.

Ngày 1/8, Sở TT&TT Quảng Bình có đoàn công tác nắm bắt thông tin vụ Tân Thủy, làm việc với ông Phạm Quang Năm. Khi xem văn bản báo cáo từ ông Năm, đại diện sở này từ chối không nhận văn bản mà đã về Tân Thủy để tiếp xúc với người dân.

MỚI - NÓNG