Thắng năm cũ lấy đà cho năm mới
Năm nào cũng vậy, cứ mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng, Lý Sơn lại tưng bừng làm lễ xuất quân mở biển đầu năm.
Ngư dân Đặng Văn Cường (chủ tàu QNg 96079 TS, An Hải) hành nghề lặn tại ngư trường Trường Sa bộc bạch: Chuyến đầu năm, tàu sẽ vươn khơi Hoàng Sa. Phiên biển cuối năm cho thu nhập khá, trung bình mỗi lao động được chia gần chục triệu đồng. Tiền nhiều nên bạn chài sướng, đầu năm gọi ai cũng có mặt”. Để kịp ra khơi đầu xuân, anh Cường đã tiếp thêm trên 2 ngàn lít dầu và 300 cây đá lạnh để kịp khởi hành. Ngư trườngTrường Sa mùa này thời tiết không mấy thuận lợi nên anh em quyết định chuyển về ngư trường Hoàng Sa. Phiên biển cuối năm, anh Cường cũng ra Hoàng Sa, phí tổn ít, chưa tới trăm triệu, đi mất 20 ngày, lãi lớn.
Tại âu thuyền Thọ Quang, tàu BĐ 96808 (Bình Định) là một trong những tàu đầu tiên nổ máy rời vị trí. Anh Phan Anh Long (thuyền viên) cho biết, cuối năm rồi tàu cập Đà Nẵng đúng 28 Tết (tức 29), dẫu muộn, nhưng cá bán vèo trong ngày, lãnh ngay mỗi người gần 12 triệu đồng tiền công về tiêu tết. Chủ tàu còn hào phóng lì xì thêm người 500 ngàn. “Năm cũ thắng lợi, hy vọng năm mới cũng thế”, anh Long hào hứng.
Ra biển hái lộc
Tại bến cá Lạch Cờn, Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai, Nghệ An) hàng chục chiếc tàu của ngư dân phường Quỳnh Dị đã cập bến với khoang cá đầy ắp. Ngư dân Đỗ Văn Toàn vui ra mặt: “Dù xuyên tết trên biển nhưng vui vì hái lộc lớn từ biển mang về. Có chút lộc cả nhà vui vẻ là thích lắm, không gì bằng gia đình no đủ cả”.
Có gần 100 tàu thuyền từ 200-400CV của ngư dân Quỳnh Dị (TX Hoàng Mai) đều có “thói quen” xuyên tết trên biển. Ngư trường mà ngư dân Nghệ An chọn là khu vực biển Hoàng Sa, và tùy mức cá mực trên khoang tàu để chọn cảng cá cập bờ. “Khi tàu quá đầy thì chúng tôi chọn Quảng Nam hoặc Đà Nẵng để cập bờ bán cá, tàu mà còn nông thì chúng tôi chạy thẳng về cảng nhà (cảng cá lạch Cờn) để được gần gia đình sớm hơn sau cái tết xuyên biển”, ngư dân Toàn
chia sẻ.
Chuyến biển đầu năm, chủ yếu chỉ có các tàu thuyền nhỏ đánh bắt khu vực gần bờ ngoài khơi Lạch Cờn và vùng biển phía Nam
Đảo Mắt.
Khởi hành từ sáng mồng 3 Tết, chỉ sau 1 ngày đêm, mỗi chuyến tàu đã khai thác được từ 10- 15 tấn cá. Chuyến biển đầu năm chủ yếu là cá trích, được thu mua ngay tại chỗ, giá bán dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/1 kg. Mỗi tàu có khoảng 7 lao động, được trả công 3,5 triệu đồng/người. Ngày đầu năm, lộc biển đã đem lại niềm vui, niềm hi vọng cho các ngư dân về một năm mới mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Năm 2016, ngư dân Quỳnh Lưu tiến ra biển lớn với niềm tin và hy vọng sẽ đánh bắt được nhiều hải sản. Bởi theo một số ngư dân có kinh nghiệm đi biển thì năm nay thời tiết thuận lợi, hứa hẹn lộc biển sẽ nhiều. Với thế mạnh về khai thác hải sản, hiện nay Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng phương tiện tàu thuyền mạnh và lớn nhất tỉnh Nghệ An với 1.275 tàu thuyền với tổng công suất 250.020 CV, bình quân công suất 208 CV/tàu. Trong đó tàu trên 400 CV là 256 chiếc.
Ăn tết trên biển
Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: “Năm nay, có 80% tàu cá ngư dân Sông Đốc ra khơi “ăn tết” trên biển, trúng mùa tôm cá”.
Ngư dân cửa biển Sông Đốc cho tàu ra khơi “ăn tết” vào cuối tháng Chạp năm trước và vào bờ vào giữa tháng Giêng năm Bính Thân. Cửa biển Sông Đốc có 1.318 tàu, trong đó có hơn 900 tàu cá có trọng tải lớn, công suất máy mạnh, có thể khai thác xa bờ dài ngày.
Ngư dân Lê Quốc Khởi, khóm 7, thị trấn Sông Đốc, có 2 tàu khai thác xa bờ, công suất 180 CV. “Hai chiếc tàu ra khơi từ cuối tháng Chạp, vừa cập bến sau tết, lời cũng được 120 triệu đồng. Ngư phủ trên tàu cũng rủng rỉnh tiền trong túi từ 4-6 triệu đồng/người, ăn tết muộn với gia đình”- ông Khởi nói.
Ông Lâm Văn Phú cho biết, sản lượng khai thác biển của ngư dân Sông Đốc khoảng 110.000 tấn/năm. Riêng chuyến biển tết Bính Thân thu được gần 10.000 tấn. Vừa trúng mùa tôm cá, giá nhiên liệu giảm, giá cả sản phẩm tăng làm cho chuyến ăn tết biển hiệu quả.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay, năm nay thời tiết biển diễn biến phức tạp, cộng với đó là nguồn hải sản tại các ngư trường cạn kiệt nên việc làm ăn của ngư dân gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, mùa biển năm 2015 vừa qua, ngư dân trong huyện khai thác được gần 40 ngàn tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 350 tỷ đồng, thu nhập một lao động trên biển đạt từ 80 -100 triệu đồng/người/năm. “Những con số trên chứng tỏ rằng, ngư dân mình vẫn quyết tâm bám biển, giữ ngư trường, bảo vệ chủ quyền” – bà Hương nói.