HLV Nguyễn Thành Vinh sau những ngày tạm giam

HLV Nguyễn Thành Vinh sau những ngày tạm giam
TP - Một HLV nhiều lần bước lên đỉnh vinh quang với nghiệp bóng tròn đã trải nghiệm day dứt những gì trong những ngày ở trại giam? Chiều 27/12, Tiền phong có cuộc trò chuyện với cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, 4 ngày sau khi ông được tại ngoại.
HLV Nguyễn Thành Vinh sau những ngày tạm giam ảnh 1
Ông Nguyễn Thành Vinh

Số 6B đường Phan Đình Phùng, TP Vinh (Nghệ An), căn nhà của vợ chồng cựu HLV Nguyễn Thành Vinh trông ra hồ Cửa Nam. Tôi gõ cửa, bà Lê Thị Trung - vợ ông Vinh bước ra: “Anh ấy đang ở trên gác. Về được bốn hôm nay nhưng chẳng mấy khi anh Vinh ra khỏi cửa, suốt ngày ở nhà bế cháu”.

Cách bài trí của phòng khách vẫn không có gì thay đổi so với hơn một năm trước, ngày ông Vinh chưa bị bắt tạm giam. Bộ bàn ghế cũ, cái tủ đựng đầy huy chương, mấy bức ảnh cưới treo trên tường, chỉ thiếu hai thứ quen thuộc: Tiếng chim hót và bóng mấy chú khuyển vàng. Ông Vinh là người yêu động vật, hồi làm HLV trưởng CLB SLNA, trong nhà ông Vinh lúc nào cũng nuôi vài ba con khướu, yểng. Bây giờ, khung cảnh vắng hoe.

Có tiếng chân bước nhẹ từ phía cầu thang, ông Vinh xuất hiện. Nhận ra người quen, ông mỉm cười: “Tôi nghỉ mấy ngày mới lại sức đấy. Hôm về sút mất 7 cân, và rất mệt mỏi”.

Tôi vào chuyện luôn: “Cuộc sống trong đó của ông thế nào?”. Ông Vinh trầm ngâm nhìn đứa cháu gái đang nằm trong nôi, đôi mắt buồn vời vợi, giọng kể nghẹn đắng: “Trong nhà giam, tất nhiên là không bằng ở nhà mình ! Ở đó thiếu đủ thứ: Tiếng nói của vợ, bóng dáng của lũ trẻ. Tôi đã từng nhiều phen nếm mùi khổ ải, nhưng không có nỗi khổ nào lớn hơn khi phải xa gia đình, người thân, bè bạn như thế. Và trái bóng tròn mình yêu tha thiết cũng phải xa”.

Ông Vinh ngừng lời, nén xúc động đang dâng lên trong lòng. “Sau khi bị bắt, tôi bị giam cùng với 5 người khác. Phòng giam này khoảng 60m2 nên không đến nỗi bí bách. Thỉnh thoảng vẫn có thể tập luyện thư giãn được.

Mình làm thể thao, nhiều người biết tiếng, vào đó anh em quản giáo đối xử rất tốt. Nhất là anh Hợp – Trưởng giám thị, thái độ của anh ấy rất chu đáo ân cần. Nhờ đó mà tôi cảm thấy thoải mái hơn. Sau một thời gian nằm ở phòng giam, tôi phải đi điều trị ở Trạm xá vì bệnh đau khớp cổ tái phát. Chữa xong bệnh, lại chuyển đến một phòng giam khác. Ở đó được khoảng 1 tháng thì tôi được tại ngoại”. 

Bà Trung ngồi đối diện, lặng lẽ nhìn chồng. Từ ngày ông Nguyễn Thành Vinh bị bắt giam, nhiều lần bà phải đi cấp cứu vì đau tim. Ông Vinh quê ở Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An), bà Trung quê Ninh Bình. 35 năm chung sống, họ có 3 người con và chỉ có Nguyễn Thành Công là theo nghiệp bóng đá của cha. Nhắc đến Công, bà Lê Thị Trung lại than: “Nó từng tham gia đội một SLNA, bao nhiêu năm theo đuổi sân cỏ đến nay vẫn chưa được vào biên chế mà chỉ có hợp đồng dài hạn”.

Ông Vinh nói: “Cách đây hai năm, tôi điện từ TPHCM cho lãnh đạo ngành TDTT tỉnh Nghệ An đề nghị các vị giúp đỡ con trai tôi. 40 năm nay tôi cống hiến cho ngành, ít ra thì các vị cũng nể tình đồng đội chứ. Nhưng họ trả lời: “Nguyễn Thành Công không phải là đối tượng thu hút !”.

Bà Trung lại trở về với nghề cũ - chế biến mắm tôm, xay tam thất làm thuốc để bán - công việc đã gắn bó với bà hàng chục năm nay.

Ông Vinh tiếp chuyện: “Tôi về nhà được hai ngày, anh Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành CLB P.SLNA và nhiều cầu thủ đến chơi. Trong ký ức, với họ, tôi vẫn là người bạn, người thầy của năm nào. Tôi cũng sẽ sang thăm người thầy cũ của mình - lão tướng Trần Xuân, một người tiên phong trong việc đặt nền tảng cho bóng đá xứ Nghệ. Nghe nói, cụ Xuân đã yếu rồi, năm nay cụ bước sang tuổi 96”.

“Ông có thường nghĩ về CLB SLNA, cái nôi mà ông đã trưởng thành, gắn bó?” - Tôi hỏi ông Nguyễn Thành Vinh. “Tôi chẳng oán trách gì ai. Những gì tôi và các cộng sự cống hiến cho ngành TDTT địa phương, cần phải được ghi nhận. Cái gì tôi làm sai thì tôi chịu. Học trò của mình, người thành đạt, kẻ sa cơ lỡ bước, cuộc đời có ngọt ngào và không ít đắng cay” -Ông Vinh như nghẹn lời...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.