Hít thở, ăn, uống cũng đều nguy hiểm

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
TP - Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách tại Quốc hội ngày 31/10, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách tại Quốc hội ngày 31/10, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Nêu lại những vụ ô nhiễm nước sạch, không khí xảy ra vừa qua, bà Phúc đặt câu hỏi: “Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương nhắc tới vụ án cháu bé trường Gateway bị bỏ quên và tử vong trên xe, như là điển hình của thái độ thờ ơ, vô cảm đang phổ biến trong xã hội. Ông gửi lời xin lỗi tới gia đình cháu bé khi nhắc tới trường hợp này trên diễn đàn Quốc hội như một bằng chứng điển hình của thói thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm.

Hít thở, ăn, uống cũng đều nguy hiểm ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

“Tôi cảm thấy day dứt khi người lái xe thản nhiên tắt máy đóng cửa xe mà không hề nhìn lại trên xe, người phụ nữ dẫn cháu bé tới trường mà không kiểm đếm khi bàn giao, cô giáo chủ nhiệm cả ngày mà không biết một học sinh trong lớp vắng mặt”, ông Trí nói.

Đề cập vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn nhưng không ai cảnh báo, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương nhận định, đó cũng là sự vô cảm. Ông đề nghị cần chống lại sự thờ ơ vô cảm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. “Sắp tới Đại hội Đảng xin đừng để người thờ ơ, vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào trong bộ máy công quyền”, ông đề xuất.

“Khoảng tối” giải ngân

Bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của việc cân đối đủ 2 triệu tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, cách đây ba năm, khi Quốc hội xem xét thông qua kế hoạch trung hạn thì đã đặt ra vấn đề về huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều dự án đã không đạt được mức kỳ vọng. Đơn cử như dự án tuyến đường ven biển khi đã đưa vào kế hoạch trung hạn là thực hiện theo hình thức PPP nhưng cuối cùng thì cũng phải chuyển sang là 100% vốn nhà nước và ngân sách trung ương đã phải cân đối là 4.500 tỷ đồng.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cảnh báo nguy cơ vào thời điểm tiền đại hội Đảng, bộ máy công quyền dễ rơi vào thời đóng băng, thu mình, bất động bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn. “Với dự án lớn và phức tạp như sân bay Long Thành, nếu không khắc phục hiện tượng đó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cơ quan và đội ngũ lãnh đạo cũng như đội ngũ thực hiện thì e rằng khó hoàn thành”, ông Quốc nói.

Báo cáo giải trình trước Quốc hội về những vấn đề mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận “tỷ lệ giải ngân chậm”, không đạt chỉ tiêu và thấp hơn cùng kỳ năm 2018. “Tình trạng giải ngân chậm là một điểm tối trong bức tranh sáng của nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là đóng góp của vốn đầu tư công vào GDP. Nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn”, ông Dũng nói và cập nhật tình hình 10 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 49,8% so với kế hoạch QH giao, đạt 54,6% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, trong đó có việc kiên quyết điều chỉnh vốn từ hiệu quả thấp sang chỗ hiệu quả cao. Trước Quốc hội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các ĐBQH chung tay thúc đẩy tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương mình.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thu ngân sách nhà nước 4 năm qua đều vượt dự toán. Trong đó, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch thu 5 năm.

Cũng theo ông Dũng, bội chi ngân sách đã được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối. Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. “Nếu như giai đoạn trước, tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm thì giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm. Tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị siết lại những kẽ hở trong đấu giá, khai thác nguồn lực từ đất, đảm bảo giá trị, công bằng, minh bạch. “Các nhà đầu tư lớn, mà chủ yếu là các nhà đầu tư có nhiều mối quan hệ thường trúng những lô đất vàng của địa phương thì cử tri có quyền đặt câu hỏi đã đủ thủ tục, đúng quy trình nhưng có đúng pháp luật hiện hành hay không, có thất thoát nguồn thu hay không”, ông Diến đặt vấn đề.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.