Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp ngành công điện tử ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc thời gian qua và hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước.
Đến nay, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc như Samsung Electronics và các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Việc các doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI trong những năm gần đây đã tạo nền tảng cũng như cơ hội đón làn sóng chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn lớn trong thời gian tới.
“Ngành điện tử là một trong những ngành có triển vọng nhất đón nhận chuyển dịch đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Tuấn Anh nhận định.
Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, những năm qua Việt Nam đã có hàng loạt chính sách phát triển ngành điện tử với các luật, nghị định, nghị quyết. Song, những văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với ngành điện tử chưa có những ưu đãi, hỗ trợ đột phá để thúc đẩy phát triển tương xứng với tiềm năng.
Để phát triển ngành điện tử trong thời gian tới tập trung vào phát triển hài hòa về cả phần cứng và phần mềm, tạo ra nền tảng đổi mới sáng tạo. Cùng đó, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhành công nghiệp điện tử và xây dựng kế hoạch hình thành ngành điện tử có giá trị gia tăng cao.