Hình ảnh gây sửng sốt trên Sao Hỏa

Tàn tích của một sông băng đã được tìm thấy gần đường xích đạo của Sao Hỏa, cho thấy một số dạng nước vẫn có thể tồn tại ở một khu vực trên hành tinh đỏ.
Trầm tích muối, được biểu hiện bằng màu xanh nhạt, tại nơi có khả năng từng tồn tại sông băng ở gần xích đạo Sao Hỏa. Ảnh: NASA MRO HiRISE/CRISM False Color Composite.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu tích đáng chú ý trong số các mỏ khoáng sản gần khu vực xích đạo của hành tinh. Các trầm tích ở đó thường chứa muối sulfate sáng màu.

Khi các nhà khoa học xem xét kỹ hơn, họ nhận ra các đặc điểm của sông băng, bao gồm những đường vân gọi là băng tích - các mảnh vật chất lắng đọng hoặc xê dịch do sông băng di chuyển. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các khe nứt, hoặc lỗ hổng sâu hình nêm - những thứ thường hình thành bên trong các sông băng.

Phát hiện được công bố hôm 15/3 tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt Trăng lần thứ 54 ở Woodlands, Texas, theo CNN.

Tiến sĩ Pascal Lee, nhà khoa học hành tinh cấp cao của Viện SETI và Viện Sao Hỏa, cho biết: “Những gì chúng tôi tìm thấy không phải là băng, mà là một mỏ muối với các đặc điểm hình thái chi tiết của sông băng”.

Các nhà nghiên cứu tin rằng sông băng dài 6 km và rộng khoảng 4 km, với độ cao từ 1,3 đến 1,7 km. Sông băng được cho là tồn tại trong kỷ Amazon, một thời kỳ địa chất trên sao Hỏa, bắt đầu từ 2,9 tỷ năm trước và vẫn đang tiếp diễn.

Các nhà nghiên cứu không biết liệu có khối băng nào còn sót lại bên dưới lớp trầm tích hay không và họ dự định tìm hiểu điều đó, và nếu có thì liệu rằng có vùng băng nào khác tồn tại gần đó hay không.

Link gốc: https://zingnews.vn/hinh-anh-gay-sung-sot-tren-sao-hoa-post1412634.html?

Theo Zingnews