Hình ảnh 'bội thực' biển báo trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

TPO - Hệ thống biển báo hiệu trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang nhiều, khó hiểu đến mức người điều khiển phương tiện khó tập trung và gặp khó khăn khi tham gia giao thông.  
Hình ảnh "bội thực" biển báo giao thông và biển báo, biển quảng cáo trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Nhiều đoạn, cây mọc che khuất cả biển báo, trong khi, người đi đường hàng giờ phải trả phí cho công tác bảo trì tuyến cho chủ đầu tư - Cty BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Mới vào tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang trên biển báo có chữ viết tắt “CT.07” (đây là ký hiệu viết tắt của cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - PV) làm người đi đường khó luận ra nội dung thông tin.

Biển phân làn theo địa phương cần đến (Bắc Ninh, Bắc Giang) khiến lái xe rất khó xử

Hai biển có trùng nội dung “nhập làn”, "lối vào" có nội dung tương tự dẫn đến lãng phí, khó hiểu.

Hai biển báo tốc độ chỉ cách nhau vài chục mét, không có nút giao cắt ở giữa

Một biển báo lối lối ra chưa đúng vị trí, không kèm khoảng cách đến lối ra như các cao tốc khác

Thông thường, biển báo lối vào cao tốc phải đặt đầu tuyến, lối rẽ vào cao tốc. Ở đây, biển báo này xuất hiện ngay giữa chính tuyến cao tốc

Cây mọc che khuất biển báo. Trong khi, người đi đường hàng ngày vẫn phải trả phí cho công tác bảo trì tuyến cho chủ đầu tư - Cty BOT Hà Nội - Bắc Giang

Như Tiền Phong phản ánh, hệ thống biển báo trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có nhiều bất cập. Ngay sau đó, TCÐB lập đoàn kiểm tra do ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (ATGT - Tổng cục Ðường bộ) dẫn đầu. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra thừa nhận có nhiều bất hợp lý về biển báo trên tuyến đường này. Cụ thể, trên tuyến đường có nhiều chỗ cắm quá nhiều biển báo so với quy định, nhất là đoạn Hà Nội - Bắc Ninh. Nhiều điểm giao cắt có đến 4 - 5 biển báo khiến lái xe mất tập trung. Trên tuyến đường còn xuất hiện tình trạng nhiều biển báo có thông tin trùng nhau và đặt ở gần nhau, một số biển báo đặt chưa đúng vị trí.

Việc thừa biển báo trên cao tốc là điều nghịch lý khi ngành GTVT luôn “kêu” thiếu hàng trăm tỷ để bổ sung, thay thế biển báo. Một số cán bộ trong ngành cho hay: Trách nhiệm xuất phát từ đơn vị thiết kế (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải). Tiếp đó, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư (Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang) và Ban Quản lý dự án 2 (thay mặt Bộ GTVT làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) không kiểm soát được khi thiết kế, thi công. Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cũng có trách nhiệm khi không phát hiện, xử lý kịp thời bất cập này khi thẩm định về ATGT của dự án trước khi cho vận hành. TCÐB có trách nhiệm giám sát khi quản lý tuyến đường trong quá trình khai thác nhưng chưa phát hiện, xử lý kịp thời.

Cũng theo các chuyên gia, chi phí chế tạo, lắp đặt biển báo đã được tính vào chi phí thực hiện dự án BOT. Ðể xảy ra sự lãng phí phải tháo bỏ, sửa chữa biển báo nêu trên, nếu không chỉ ra các cá nhân phải chịu trách nhiệm, người đi đường sẽ phải trả bằng tiền phí qua trạm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng do liên danh Cty CP Ðầu tư Văn Phú - Cty CP Tập đoàn Ðại Dương - Tổng Cty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Ðầu tư và thương mại 319 là nhà đầu tư. Dự án này ban đầu được phê duyệt là cao tốc (các biển báo cũng được thể hiện là cao tốc), tuy nhiên, tuyến này có tốc độ khai thác được quy định thấp hơn cả quốc lộ 1A. Dự án được đưa vào vận hành từ 3/1/2016.