Hiệu trưởng 'tuyệt vời ông mặt trời' của teen Trần Đại Nghĩa
> Con viết bằng cả trái tim
> Lắng nghe học sinh nói
Về công tác tại trường được gần 2 năm, thầy hiệu trưởng Lâm Triều Nghi đã khiến nhiều học trò trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thích thú bởi những thay đổi tích cực.
Thầy Lâm Triều Nghi tại lễ kỉ niệm 50 năm thành lập trường THPT Nguyễn Hữu Huân, nơi thầy từng làm hiệu trưởng. Ảnh: Nguyenhuuhuan.org. |
'Tôi chưa làm được gì'
Tháng 3/2012, thầy Lâm Triều Nghi chuyển công tác từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) sang làm hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1). Quãng thời gian gần 2 năm làm việc ở trường mới, theo thầy: “Trong môi trường giáo dục, quãng thời gian như vậy chưa đủ để đánh giá. Tôi mới chỉ có một số điều chỉnh thôi chứ chưa làm được gì nhiều”.
Những điều chỉnh của thầy đã khiến hơn 2.500 học sinh của mái trường “mát lòng mát dạ” vì sự tinh tế, sự lắng nghe của thầy. Khi mới về trường, học sinh gõ cửa trình bày với thầy chuyện không được đeo ba lô đi học, nếu đeo sẽ bị giám thị nhắc nhở. Thầy lắng nghe, tiếp thu ý kiến của những cô cậu học trò, nhận thấy việc đeo ba lô tiện dụng biết bao nhiêu thay vì đeo cặp. Gạt qua những lăn tăn cho học sinh đeo ba lô sẽ dễ trốn học, hay đeo ba lô có nhiều màu hình, hình thù không phù hợp, và nhà trường nhanh chóng cho học sinh sử dụng vào năm học sau.
Thầy Triều Nghi chia sẻ: “Học sinh trong trường đều là các em ngoan ngoãn chăm học. Nếu các em không trốn học, nếu có nhà trường sẽ có biện pháp riêng”.
Trước khi thầy Nghi về trường, học sinh đều phải học 11 buổi. Thầy đặt câu hỏi: “Sao bắt học sinh phải học nhiều thế, trong khi ở trường cũ THPT Nguyễn Hữu Huân chỉ học cao nhất 9 buổi”.
Nghĩ vậy, thầy mạnh dạn đề xuất cắt giảm giờ học. Và những “thần dân” của trường rất hứng khởi khi được nghỉ ngày thứ bảy. Thời gian nghỉ, học sinh có thể lên trường sinh hoạt các CLB đội nhóm về học thuật, thể thao, văn nghệ…
Về điều này, em Nguyễn Khánh Ly (Lớp 12D1) cho biết: “Trước kia chúng em phải học cả ngày thứ 7, rất là oải. Nhìn thấy có trường khác được nghỉ thứ 7, chúng em cũng muốn vậy lắm. Khi nghe tin thầy Nghi cắt giảm giờ học, em rất vui. Vậy là cuối tuần thay vì đến lớp thì em có thêm thời gian xả hơi cũng như tự học bài ở nhà”.
Thầy Lâm Triều Nghi đánh trống khai giảng năm học 2013 - 2014 ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Người Lao Động . |
Vui hơn, trẻ hơn vì học trò
Nhận xét về công việc của mình so với khi còn làm ở trường cũ, thầy Nghi thừa nhận: “Vì đây là trường chuyên, nên áp lực sẽ nhiều hơn, nhưng tôi luôn thấy vui hơn khi còn làm việc ở trường cũ và cảm thấy mình như trẻ hơn”.
Lý do chính nằm ở học trò. Ở trường Trần Đại Nghĩa, ngoài học sinh cấp 3, còn có học sinh cấp 2. Theo thầy, chính sự vô tư, hồn nhiên của lứa học sinh cấp 2, nhất là những em lớp 6 mới vào như giúp người thầy hiệu trưởng trẻ ra hơn.
Đối với học sinh, thầy luôn thân thiện, không tạo khoảng cách lớn giữa thầy hiệu trường và học trò. Thầy cho biết: “Học sinh chẳng em nào sợ tôi hết, từ trước giờ tôi mới chỉ gặp 2–3 em vì những lý do đặc biệt. Như có trường hợp học sinh sẽ đi du học nên không màng chuyện học tập thì tôi khuyên nhủ em nhiệm vụ học khi chưa đi đi vẫn còn. Học sinh trong trường các em rất chăm ngoan, ít quậy phá nên ít khi phải gặp thầy hiệu trưởng”.
“Em chưa nói chuyện với thầy bao giờ, nhưng em biết thầy hiền và quan tâm tới học sinh lắm. Em hay thấy thầy đi vòng quanh sân, đứng trên cửa sổ nhìn chúng em chơi, tập thể dục. Có khi thầy vào chỗ chúng em ngủ thăm chúng em, xem chúng em ngủ như thế nào!”, em Nguyễn Gia Bảo (lớp 8A8) kể lại. Nói về ngày 20/11, thầy Triều Nghi cho rằng chuyện phụ huynh, học sinh tặng quà thầy cô là điều tốt đẹp, thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Thầy chia sẻ: “Nhưng quan trọng là cách tặng, như ở trường Trần Đại Nghĩa năm nay Ban đại diện cha mẹ học sinh mua bánh kem tặng thầy cô, như vậy vừa thiết thực lại vừa ý nghĩa”.
Theo Như Quỳnh
Tri Thức