Kiến nghị trên được đưa ra tại buổi toạ đàm của các hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng các trường tư thục ở Hà Nội nhằm giúp Bộ GD&ĐT khi sửa quy chế hoạt động cần tạo điều kiện để trường tư phát triển tốt hơn.
Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 28/3/2011 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục được chính các trường tư đánh giá: "có giá trị thực tiễn rất cao, giúp các trường phổ thông tư thục tồn tại và phát triển đến nay đã 10 năm".
Tuy vậy, tại buổi toạ đàm, các ý kiến đều cho rằng, việc sửa quy chế tổ chức hoạt động của các trường tư cần theo hướng tạo điều kiện tốt hơn chứ không phải theo hướng bắt trường tư phải hoạt động y như trường công lập.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội góp ý, Điều 13, Quy chế 2011 - Hiệu trưởng: Khoản 1 không nên giới hạn tuổi của Hiệu trưởng, nghĩa là bỏ cụm từ “khi được đề cử không quá 70 tuổi”. Ngoài ra, trong chương trình giáo dục nên bỏ cụm từ “kế hoạch dạy học” vì hiện nay Bộ GDĐT đã cho phép các trường tự chủ về kế hoạch dạy học.
Một vấn đề mà các trường tư thấy bất hợp lý hiện nay là yêu cầu trường tư và trường công khai giảng cùng lúc vào ngày 5/9. Trong khi, chương trình, kế hoạch dạy học trường tư là linh hồn của trường, nhằm thu hút phụ huynh, học sinh. Do đó, hiệu trưởng các trường tư kiến nghị nên sửa: "Trường phổ thông tư thục được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm học ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập. Học phí cho thời gian học học bổ sung do nhà trường thoả thuận với cha mẹ học sinh”.
"Tất cả các trường phổ thông tư thục, bao gồm nhà trường và cha mẹ học sinh, đều mong muốn Quy chế 2021 kế thừa “bổ sung thời gian học tập 4 tuần/ năm học” ở Quy chế 2011. Quy chế 2021 nên kế thừa những điều, khoản vẫn còn phù hợp của Quy chế 2011, nhất là những điều khoản có tác dụng tích cực đối với trường phổ thông tư thục, tạo điều kiện cho các trường phát triển", thầy Nguyễn Xuân Khang nói.
Không nên quy định "trói" sự phát triển trường tư
Ngoài ra, hiệu trưởng trường tư cũng muốn được tự chủ về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: “Thông tư 13 là sản phẩm trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường ngoài công lập. Và phải mất rất nhiều năm Bộ mới ra được văn bản đầy đủ và sát thực tiễn như vậy.
Quy chế này đã phát huy hiệu quả trong thực tế, và là chỗ dựa cho các trường tư thục vững tâm xây dựng và phát triển góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà.
Nay trong tình hình mới, ngày 15/9/2020 Bộ đã ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì việc điều chỉnh Thông tư 13 là cần thiết.
Là đơn vị hoạt động dựa trên điều lệ và quy chế, chúng tôi có đề nghị, cần điều chỉnh một số nội dung để “khớp” với Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tức là không còn “Hội đồng quản trị” nữa mà giờ đây là “Hội đồng trường”.
Ngoài ra, cần giữ nguyên Điều 14 như Quy chế 2011 tức là tiếp tục cho các trường tư thục được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm. Điều này cực kỳ quan trọng vì giúp các trường phát huy nguồn lực, phù hợp với nhu cầu của người dân, nếu không các trường không cân đối được tài chính, thậm chí là suy thoái, phá sản”.
Trong khi đó, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lômônôxốp cũng cho rằng, ngoài chương trình của Bộ thì các trường tư thục còn thực hiện chương trình nhà trường mà chương trình này đã báo cáo Sở và được đồng ý. Do vậy, nếu không cho các trường tư thục bổ sung 4 tuần/ năm thì sẽ không đảm bảo chương trình nhà trường, làm hạn chế sự phát triển của trường tư thục”.
Còn về “độ tuổi của Hiệu trưởng”, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cho rằng không nên quy định số tuổi đối với Hiệu trưởng trường tư thục bởi lẽ Hội đồng trường của trường tư thục hoàn toàn nắm được về phẩm chất, năng lực, sức khỏe và sự minh mẫn của người được đề cử làm Hiệu trưởng thông qua bản kê khai, giấy khám sức khỏe.
Sau buổi tọa đàm, tiếp thu ý kiến của các thầy cô ở tọa đàm, ban chủ nhiệm các trường ngoài công lập ở Hà Nội sẽ hoàn thiện văn bản kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.