Hiểu thế nào về kỳ thi quốc gia duy nhất?

Hiểu thế nào về kỳ thi quốc gia duy nhất?
TP - Qua thảo luận ở nhiều diễn đàn vừa qua về kỳ thi quốc gia hợp nhất, chúng tôi thấy đa số ý kiến nhất trí ở cuối bậc phổ thông chỉ cần duy nhất một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên có sự khác nhau về quan niệm kỳ thi duy nhất đó.

Nên gọi đó là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học, nói cách khác nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, giữ kỳ thi tuyển sinh đại học hay ngược lại? 

Theo tôi, không nên xem đó là kỳ tốt nghiệp phổ thông, cũng không nên xem đó là kỳ thi tuyển sinh đại học, mà là kỳ thi quốc gia duy nhất hỗ trợ cho cả hai mục tiêu: Đánh giá học sinh tốt nghiệp phổ thông và sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học. Tuy hai mục tiêu khác nhau, nhưng cả hai kỳ thi trước đây có cùng bản chất là đánh giá thành quả học tập dựa vào chương trình phổ thông, nên có thể tổ chức một kỳ thi quốc gia chung thay cho cả hai. 

Tuy có thể tổ chức chỉ một kỳ thi, nhưng phải thiết kế kỳ thi quốc gia duy nhất một cách hợp lý thì mới đạt được cả hai mục tiêu đánh giá: số môn thi phải tương đối đủ và phương pháp đánh giá phải hợp lý. Về môn thi, phương án 2 mà Bộ nêu ra là hợp lý: 3 đề thi đơn môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 đề thi tổng hợp về Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Nên bắt buộc thí sinh chọn 2 đề trước, và cho phép thí sinh chọn 2 trong 3 đề sau hoặc chọn cả 3 nếu đủ năng lực. Về phương pháp, nên sử dụng chủ yếu phương pháp trắc nghiệm, ngoài ra nếu muốn đánh giá khả năng diễn đạt và khả năng giải quyết vấn đề thì ra thêm 2 câu hỏi tự luận ngắn (làm trong vòng 30 phút) kèm với các câu trắc nghiệm trong đề Ngữ văn và Toán.

Kỳ thi duy nhất đang bàn có thể gọi chính xác hơn là kỳ thi “đánh giá năng lực sau trung học phổ thông”, nó khác biệt với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây ở chỗ: Đối tượng dự thi không nhất thiết là học sinh đã học hết bậc phổ thông, chỉ cần ở cuối bậc phổ thông, có thể bao gồm những thí sinh tự do có thể tiến tới tổ chức thi nhiều lần trong năm; thí sinh có thể đăng ký xin thi lại ở một kỳ thi sau để nâng điểm; kỳ thi này cũng khác kỳ thi tuyển sinh đại học trước đây ở chỗ: Bao gồm cả mục tiêu xác nhận trình độ tốt nghiệp phổ thông; không thiết kế nhằm một ngành đào tạo cụ thể nào của trường đại học; tiến tới tổ chức nhiều lần trong năm.

Tôi nghĩ quan niệm về kỳ thi quốc gia duy nhất như vậy vừa không tạo sức ép nặng nề đối với các địa phương trong việc muốn nâng tỷ lệ đạt tốt nghiệp phổ thông tại địa phương mình, vừa tạo cơ hội cho các trường đại học/cao đẳng tuyển sinh viên đủ trình độ mà không phải quá hạ thấp đầu vào, vì thí sinh sẽ tự phấn đấu thi lại để nâng cao mức điểm của mình. 

Một vấn đề kỹ thuật được đặt ra là nếu tổ chức thi nhiều lần trong năm thì kết quả các lần thi có thể so sánh với nhau không. Câu trả lời là: công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục cho phép thiết kế các đề thi tương đương với mức chính xác rất cao, chẳng hạn có thể thấy ở các kỳ thi TOEFL tiếng Anh của tập đoàn ETS Hoa Kỳ.

MỚI - NÓNG