Hiệu quả gói kích cầu còn khiêm tốn

Hiệu quả gói kích cầu còn khiêm tốn
TP - Nhiều trong số trên 100 nhà nghiên cứu, quản trị doanh nghiệp, ngân hàng dự cuộc họp lấy ý kiến về hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ, do hội các Nhà Quản trị DN Việt Nam tổ chức, cho rằng, hiệu quả đã rõ nhưng còn khiêm tốn.
Hiệu quả gói kích cầu còn khiêm tốn ảnh 1
Cho vay vốn ở ngân hàng Ocean  Ảnh: PNB

Ông Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội) cho rằng, cần tập trung đầu tư cho những dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng; có dung lượng, triển vọng thị trường tiêu thụ tốt; góp phần trực tiếp duy trì, mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế; thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững; có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng; có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế xã hội và môi trường.

Bà Cao Thị Thúy Nga (Ngân hàng Quân đội) đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát, để vừa hỗ trợ lãi suất đúng địa chỉ, có hiệu quả, vừa không tăng nợ xấu cho ngân hàng.

Ông Hoàng Anh Tuấn (Agribank) đề nghị, các bộ ngành liên quan phối hợp với ngân hàng ban hành danh mục ngành nghề, đối tượng được hỗ trợ lãi suất để ngân hàng thương mại thuận tiện trong tổ chức thực hiện; đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cho nâng mức cho vay hỗ trợ lãi suất để mua vật liệu xây dựng làm nhà ở từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng, nâng mức cho vay hỗ trợ lãi suất phù hợp chi phí từng loại cây trồng.

Nêu thực tế một số doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng đã đem thế chấp trước nên không vay mới được, ông Nguyễn Đức Thuận (Cty Vật tư Nông nghiệp Quốc phòng) đề nghị cho phép các doanh nghiệp đó vay đảo nợ để có thể tồn tại và phát triển; đồng thời, đơn giản hơn nữa thủ tục cho vay.

Cùng kiến nghị như trên, ông Nguyễn Thanh Hoàn (Cty Cổ phần Xây dựng Công trình Ngầm) đề nghị tăng cường hỗ trợ mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay ngoại nhập.

Ông Nguyễn Quang Thuật (Cty Foodinco) đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Thương mại đưa về mức lãi suất mới và hỗ trợ lãi suất bốn phần trăm/năm đối với hợp đồng vay vốn trước 1/2/2009 nhưng chưa đến hạn trả; đồng thời, truy hoàn lãi vay VND đã trả ngân hàng trên mức 6,5 phần trăm/năm kể từ tháng 2/2009 đến nay của những hợp đồng này, để tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Ông Thuật cũng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp 50 phần trăm tổng lãi vay phải trả NH sáu tháng cuối năm 2008...

Ông Nick Freeman (Ngân hàng ADB) cho rằng, Việt Nam có thể phải mất thời gian để lấy lại đà tăng trưởng, phụ thuộc phần nào đó vào kinh tế toàn cầu. Điều này khiến dự đoán về thời điểm kết thúc gói kích thích trở nên khó hơn.

Kết thúc sớm quá, kinh tế có thể suy giảm trở lại; muộn quá thì kinh tế có thể quá nóng, với tỉ lệ lạm phát cao.

Gói kích thích luôn phải xác định trong thời gian ngắn, thực hiện nhanh, gọn. Thời điểm kết thúc gói kích cầu của Việt Nam nhiều khả năng trùng với quá trình chuẩn bị cho chiến lược tiếp theo.

MỚI - NÓNG