Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn nỗ lực hội nhập, phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến
Lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến
TP - Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) lại cận kề kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831- 4/11/2021) nên không khí phấn khởi, tự hào sôi nổi, rộng khắp trên miền biên giới xứ Lạng.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng ít nhiều đối với công việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, bản lĩnh và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chung tay, giúp sức nên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở Lạng Sơn từng bước vượt mọi khó khăn để vươn lên. May mắn, Lạng Sơn là địa phương khống chế, phòng chống dịch COVID-19 khá hiệu quả nên tình hình làm ăn và đời sống sinh hoạt của người dân không xáo trộn nhiều.

“Trong 5 năm qua, có 3 doanh nghiệp được nhận Huân chương Lao động, 5 doanh nghiệp, doanh nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 180 doanh nghiệp, doanh nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn. Hiệp hội doanh nghiệp được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ”.

(Trích báo cáo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn)

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách mới tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp được ban hành. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và ban hành một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ nên đội ngũ doanh nhân xứ Lạng tự tin, kinh doanh có hiệu quả.

Vượt lên chính mình

Lạng Sơn là một tỉnh nghèo, miền núi, biên giới, dân tộc. Doanh nghiệp địa phương chủ yếu là các đơn vị nhỏ và siêu nhỏ, quy mô sản xuất, kinh doanh, nguồn lực, tài chính hạn hẹp. Lãnh đạo doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức quản lý, quản trị doanh nghiệp cùng các hoạt động còn phân tán.

Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn nỗ lực hội nhập, phát triển  ảnh 1

Hội doanh nghiệp Lạng Sơn đồng hành, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Duy Chiến

Trong bối cảnh đó, ngày 30/10/2012, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định số 1595/QĐ-UBND cho phép thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

Ngay sau khi thành lập, Hiệp hội doanh nghiệp Lạng Sơn tranh thủ môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ I (tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2012) để tập trung triển khai kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Động viên các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và các chế độ cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Điều đáng mừng là hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội lần thứ nhất Hiệp hội doanh nghiệp Lạng Sơn đề ra đều đạt và vượt, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành đánh giá cao, doanh nghiệp, người dân địa phương ghi nhận.

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, hiệp hội triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tiếp tục được tăng cường. Hiệp hội bám sát, tổng hợp và báo cáo những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tới cấp ủy, chính quyền các cấp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

“Chúng tôi tích cực tham mưu xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hiệp hội phối hợp với các sở ngành chức năng triển khai nhiệm vụ xác định chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND các huyện thành phố (DDCI) năm 2021 và những năm tiếp theo có chiều hướng tích cực”. Ông Dũng nói.

Hiệp hội Doanh nghiệp Lạng Sơn nỗ lực hội nhập, phát triển  ảnh 2

Doanh nghiệp, doanh nhân Lạng Sơn giành nhiều thành tích xuất sắc. Ảnh: Duy Chiến.

Từ môi trường tốt, tin cậy nên nhiều nhà đầu tư đã đến xứ Lạng làm ăn. Tính đến tháng 9/2021 có trên 3.200 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp so với năm 2012.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, giai đoạn 2017 – 2020 là thời kỳ số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, từ năm 2017 đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 1.416 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 11.088 tỷ đồng, tăng 60% so với giai đoạn 2013 – 2016. Đến hết tháng 9/2020, tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh có 3.193 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27.188 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Từ năm 2017 đến đầu tháng 10/2020, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 59.563 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 14.890 lao động với thu nhập từ 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/ tháng. Các doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.303 tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách gần 1.200 tỷ đồng.

Chung sức vươn lên

Bên cạnh việc tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp còn tập trung mở rộng thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ xây dựng các công trình trường học, nhà họp thôn, nhận phụng dưỡng các gia đình chính sách... trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hồ Phi Dũng cho biết thêm: Trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các doanh nghiệp hội viên đã ủng hộ gần 12 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời chung tay tiêu thụ nông sản cho vùng dịch trên 20.000 tấn hoa quả.

Trong không khí tươi vui, phấn khởi kỷ niệm “Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10”, ông Dũng chia sẻ: Hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh có các hội viên trực thuộc như: “Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “Hội doanh nhân trẻ”, “Hiệp hội du lịch”, “Chi hội doanh nghiệp đầu tư và xây dựng”, “Chi hội doanh nghiệp môi trường”, “Hội doanh nghiệp huyện Bắc Sơn”, “Chi hội doanh nghiệp huyện Hữu Lũng”, “CLB doanh nhân nữ”, “CLB đầu tư và khởi nghiệp”.

“Dù môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn đều khẳng định được bản lĩnh của mình để vươn lên vượt qua thách thức, từ đó có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh trong nhiều năm qua. Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, hiệp hội tiếp tục làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh”, ông Dũng nói.

Sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn cùng sự quan tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, minh bạch trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ là những điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp Lạng Sơn nghiên cứu, đầu tư nguồn lực, hợp tác trong kinh doanh, từ đó góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.