98 thanh niên hy sinh khi xây dựng cống Hiệp Hòa

Hiệp Hòa, nỗi đau 40 năm trước

Cụ Liên bên phần mộ con gái.
Cụ Liên bên phần mộ con gái.
TP - Hôm nay (9/6), tại huyện Đô Lương (Nghệ An) diễn ra đại lễ cầu siêu cho 98 thanh niên hy sinh khi xây dựng cống Hiệp Hòa 40 năm trước, sự kiện chấn động dư luận một thời.

Tai nạn bất ngờ

Cuối năm 1977, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào thuộc đầu mối hệ thống nông giang Đô Lương và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa. Tỉnh Nghệ Tĩnh huy động 21 nghìn dân công của 7 huyện. Khi gần hoàn thành, một sự cố đau lòng xảy ra: Vào lúc 12h05 ngày 3/1/1978, cống bị sập. Vụ tai nạn làm 98 người chết, 132 người bị thương. Nạn nhân chủ yếu là thanh niên của huyện Thanh Chương.

Chúng tôi tìm về xã Cát Văn. Những thanh niên may mắn sống sót ngày ấy giờ tóc đã hoa râm, nhưng trong tâm trí họ vẫn không thể nào quên được cảnh tượng 40 năm về trước. Thời điểm đang xây dựng, tu sửa cống Hiệp Hòa thì ông Nguyễn Nhật Lý (SN 1958) và bà Bùi Thị Nga đã nên vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ chỉ bên nhau được 4 ngày, ông Lý vào quân ngũ. “Khi tôi nghe vợ nói cô ấy cùng với thanh niên trong xóm trong xã lên Đô Lương để tình nguyện làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuy hơi lo lắng nhưng thấy vợ cống hiến được cho xã hội nên tôi ủng hộ. Nào ngờ cô ấy ra đi mãi”, mắt ông Lý đỏ hoe.

“Tôi nghe người nhà báo tin liền vội vàng xin phép đơn vị về. Bước vào đầu xã là la liệt những quan tài lạnh lẽo”, ông Lý nhớ lại. Ngồi bên ông Lý là bà Trần Thị Lý (SN 1959), một trong những người may mắn thoát nạn trong đại họa sập cống Hiệp Hòa. Bốn năm sau thảm họa ấy, ông Lý, bà Lý kết nghĩa phu thê.“Tôi không bao giờ quên được cảnh tượng ngày 3/1/1978. Hôm ấy, tổng đội Quỳnh Lưu vừa nghỉ tay ăn trưa, còn cánh Thanh Chương thì gắng làm thêm cho xong phần việc. Bỗng dưng một tiếng nổ lớn, hàng ngàn khối đất đá đổ sập xuống, khung cảnh hỗn loạn. Tôi cũng bị đất đá rơi xuống trúng người. Tôi chỉ biết khóc nhưng may mắn mình đứng sau cái thang nên được che chắn, sau đó được đội cứu hộ đưa lên”, bà Lý kể.

Qua hàng rào thưa, tôi để ý một cụ già nhà kế bên đang dọn dẹp sân, ông Lý bảo đó là cụ Nguyễn Thị Liên (87 tuổi), mẹ của nạn nhân Bùi Thị Tiến. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, cụ Liên kể: “Tiến là con gái đầu lòng của tôi, lúc ấy xung phong lên cống Hiệp Hòa cháu mới 17 tuổi. Thấy con nó xin đi tình nguyện làm thủy lợi, mẹ đồng ý. Ấy vậy mà...”. Với người dân xã Cát Văn, thảm họa sập cống Hiệp Hòa bốn mươi năm trước nhiều người vẫn nhớ rất rõ.

Hiệp Hòa, nỗi đau 40 năm trước ảnh 1 Vợ chồng ông Lý kể lại sự kiện sập cống Hiệp Hòa.

Ký ức, và ước nguyện

Thôn 7, xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Kỹ sư, Tổng chỉ huy công trình cống Hiệp Hòa ngày nào giờ là...thầy lang. Ngôi nhà của ông Hồ Như Hồng (82 tuổi) nằm lọt thỏm dưới những nhà cao tầng, treo bảng hiệu “Bốc thuốc đông y gia truyền”. Ít ai biết rằng, ông già chuyên bốc thuốc đông y bình dị ấy lại chính là người từng đảm nhận chức vụ tổng chỉ huy công trình cống Hiệp Hòa, một trong những công trình trọng điểm cho sự phát triển của Nghệ Tĩnh bốn thập kỷ trước.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Hồng hằng ngày vẫn lặng lẽ bắt mạch, chữa bệnh cho người dân quanh vùng. Có lẽ, công việc này cũng làm ông bớt nhớ những ký ức buồn của ngày định mệnh khiến 98 con người bị vùi lấp khi tuổi thanh xuân. Tiếp tôi trong phòng khách có nét cổ xưa, ông Hồng nén tiếng thở dài: “Cũng gần nửa thế kỷ rồi chú nhỉ. Tôi vẫn mong muốn có một cái nhà trưng bày, hay bia tưởng niệm gì đó cho những người nằm xuống ở công trình Hiệp Hòa, để ghi nhận công lao cống hiến của bao chàng trai cô gái, để thế hệ mai sau còn nhớ đến”.

Bốn mươi năm trôi qua, người kỹ sư trẻ ngày đó giờ khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn, tóc đã bạc. Ngày 2/1/1978, tôi được tỉnh gọi về sở Thủy lợi họp. Sau khi họp xong trở về phòng làm việc thì có tin báo nước đã tràn vào hồ móng, lập tức tôi mượn xe chạy lên công trường. Đến 3h sáng ngày 3/1, tôi xin ý kiến cấp trên để đóng cống rồi giao cho anh Trần Nhương (chỉ huy công trường) khi nào an toàn thì lại tiếp tục đổ bê tông, nếu không an toàn thì dừng lại. 8h sáng tôi ra hiện trường thì thấy anh em đổ bê tông rồi”, ông Hồng nhớ lại.

Hiệp Hòa, nỗi đau 40 năm trước ảnh 2 Cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng 40 năm trước.

Lặng đi một phút, đôi mắt ông Hồng bắt đầu ngấn lệ khi nhớ đến giờ phút khủng khiếp, thời khắc cống Hiệp Hòa đổ sập chôn vùi 98 con người. “Đi ở bara Đô lương về khoảng 12h trưa, tôi mặc đồ áo bảo hộ để chui vào kiểm tra lại toàn bộ thì thấy không chi cả. Chỉ có vết nứt nhưng vết này có từ năm 1968, không sao. Tôi ra khỏi cống chào anh em để về. Lúc đó mọi người đang ăn mỳ, tôi cũng động viên anh em gắng thêm một giờ nữa thôi là hoàn thành. Anh em cũng vui vẻ nói thủ trưởng yên tâm giờ thắng lợi sắp đến rồi. Tôi ra về được khoảng 100m bỗng nghe tiếng động lớn, quay lại chỉ kịp thét lên chết! chết rồi! Ngay lúc đó tôi ngất đi”, dường như không muốn nhắc lại chuyện này, ông Hồng nhìn đi chỗ khác.

Tháng 10/1980, phiên tòa không có vành móng ngựa, bị cáo không mặc áo tù diễn ra ở Hội trường thị trấn Đô Lương. Rất đông người nhà những người tử nạn và bà con trong tỉnh kéo nhau đến theo dõi. Ông Hồng lãnh án 6 năm tù. Mãn hạn, ông vẫn được nhiều nơi mời làm thủy lợi, chỉ huy công trình ở huyện Quỳnh Lưu rồi về quê tiếp nối nghề thuốc đông y gia truyền của cha ông. Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Hồng vẫn không quên nhắc lại đề nghị nên làm một nhà truyền thống hoặc ít ra bia tượng niệm sự hy sinh của 98 thanh niên.“Anh chị em, những người đã nằm xuống ở cống Hiệp Hòa ngày đó đáng được vinh danh”, cựu kỹ sư tiễn tôi ra về với một lời gửi gắm.

Ngược gió Lào quắt quay tháng 6 trở lại Hòa Sơn, Đô Lương, vượt những con đường nhựa, bê tông ruổi dài dẫn đến công trình Hiệp Hòa giữa vùng quê bình yên. Dẫn nước từ dòng Lam, đến cánh đồng Yên Thành, Phủ Diễn. Để có được vựa lúa tươi tốt phía hạ du, là nhờ vào nguồn nước mát lành qua cống Hiệp Hòa, nơi ghi dấu sự đóng góp của hàng vạn con người, sự hy sinh lớn lao của 98 cô gái chàng trai bốn mươi năm trước mà người đời sau không được quên, không được phép quên...

Cống Hiệp Hòa được người Pháp xây dựng năm 1934, hoàn thành năm 1937. Khu vực công trình thủy lợi này cũng đã hứng gần 100 quả bom phá hoại của máy bay giặc Mỹ, nhưng cống Hiệp Hòa vẫn sừng sững. Nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ bara Đô Lương tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Năm 1977 tỉnh Nghệ Tĩnh huy động hàng vạn đoàn viên thanh niên từ 7 huyện lên Hòa Sơn khai thông, mở rộng công trình.

Báo Tiền Phong có công văn số 114/CV-BTP đề nghị tỉnh Nghệ An xây dựng bia chứng tích, ghi danh 98 thanh niên đã ngã xuống tại công trình cống Hiệp Hòa. Ngày 8/6/2018, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Phúc Hợp cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương xây dựng bia tưởng niệm tại công trình thủy lợi này. Tối nay, Nghệ An làm lễ cầu siêu cho những người bị nạn.

MỚI - NÓNG