Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU chính thức có hiệu lực

Từ hôm nay, 1/8/2020, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ thuận lợi hơn
Từ hôm nay, 1/8/2020, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ thuận lợi hơn
TPO - Từ hôm nay 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi, mở cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Theo Bộ Công Thương, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi nói đến Hiệp định EVFTA, ta nói đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt một thập kỷ từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành nghiên cứu khả thi việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 10 năm 2010. Điều này là bởi Việt Nam và Liên minh châu Âu là hai nền kinh tế có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng như có sự khác biệt về hệ thống chính trị, văn hoá và lối tư duy.

EVFTA lại là một Hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng. Trong Hiệp định có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà ta chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây như Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP), hay Thương mại phát triển bền vững (TSD).

Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các cách tiếp cận của ta trong các FTA trước đây. Ví dụ như nguyên tắc Đối xử quốc gia trong WTO và trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia được áp dụng nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng một mặt hàng. Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, nguyên tắc Đối xử quốc gia được áp dụng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có nghĩa là cam kết còn xét thêm các yếu tố khác, không chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh những mặt hàng giống nhau.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ 48,5% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như ô tô là: sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại;

Linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt lợn đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm);...

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc),...

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào các nước thành viên Châu Âu tăng thêm 45% vào năm 2030, góp phần thúc đẩy GDP cả nước tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2029-2033.

Những mốc thời gian chính quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định:

Tháng 10/2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

- Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25/6/2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.

Ngày 30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA.

Ngày 21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

Ngày 12/2/2020: Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA

Ngày 30/3/2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA

Ngày 8/6/2020: tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu (457/457 đại biểu) biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.