Hiệp định Thương mại Tự do: Chợ EU rộng cửa

Khoảng 50% dòng thuế của thủy sản sẽ về 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực
Khoảng 50% dòng thuế của thủy sản sẽ về 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực
TP - Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU được thông qua sẽ giúp thị trường nông, lâm, thủy sản Việt Nam “thay da, đổi thịt”. Ðây là cơ hội nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính, giá trị cao.

Theo Bộ NN&PTNT, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng được hưởng ngay thuế suất 0%: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau (ván dăm, sợi, gỗ dán...).  

Với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% và 50% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau từ 3 - 7 năm... Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, dịch Covid - 19 ở Trung Quốc đã khiến nhiều đơn hàng thủy sản xuất sang thị trường này bị chậm lại, các hãng tàu chuyên chở sang Trung Quốc đã thông báo tạm dừng hoạt động…

Do vậy, việc EVFTA có hiệu lực là cơ hội lớn với thủy sản Việt Nam. EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó sản phẩm tôm chiếm 22%, tương tự là cá tra 11%, các mặt hàng hải sản 30 - 35%.

Ông Nam cho rằng, ngoài mặt lợi cơ bản là cắt giảm thuế, EVFTA cũng giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan... Để tận dụng tốt “sân chơi” này, các DN Việt Nam cần lưu ý để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá.

Ông Nguyễn Tôn Quyền (Hiệp hiệp gỗ và lâm sản Việt Nam) cho rằng, EVFTA tạo thời cơ cho ngành gỗ ngay từ đầu năm 2020. Năm 2019, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU có tăng lên so với 2018, với tổng kim ngạch khoảng 900 triệu USD.

“Trước đây, các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc, Hungary, Bungary... thường mua sản phẩm gỗ của Việt Nam qua các nhà nhập khẩu của Tây Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp... Nhưng nay, họ đã trực tiếp mua của Việt Nam”, ông Quyền nói.

Không thể mãi bán hàng xuất thô

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Cty Vina T&T- DN xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam nhìn nhận, thị trường EU rộng mở sẽ giúp ngành rau quả Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vina T&T đã xuất nhiều loại trái cây đi Mỹ, Úc, Canada, Nhật, Hàn Quốc... Với thị trường EU, công ty đã chuẩn bị cho cơ hội tham gia EVFTA từ vài năm trước. “EU gần như mở cửa cho các loại rau củ quả từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, dịch hại... Đây là vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới”, ông Tùng nói.

“Lâu nay, nông dân ít khi nghĩ đến việc rau quả được xuất đi thị trường khó tính như EU, nên họ chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc. Từ vụ dịch Covid - 19, người dân đã ý thức trong việc liên kết với các DN có uy tín, đầu ra ổn định để trồng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP để có thể xuất được EU, Mỹ, hay là chính ngạch đi Trung Quốc”, ông  Tùng nói.

Theo ông Tùng, Vina T&T đang tìm kiếm một đối tác mạnh, đủ lực để xuất vào thị trường EU, nhất là thanh long, bưởi. Ngoài ra, EU cũng chuộng các loại rau thơm như rau quế, húng, ớt... “Tuy là khối EU, nhưng mỗi nước thành viên của họ đều có những quy định riêng, nhu cầu tiêu dùng cũng khác, chúng ta cần phải tìm hiểu rõ để làm. Mặt khác, khi xác định được nhu cầu đủ lớn, từ đó chúng tôi mới quy hoạch vùng trồng bài bản, để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của thị trường EU”, ông Tùng nói.  

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến thị trường nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Do vậy, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến nông lâm thủy sản tại các thị trường mới như Brazil, Trung Ðông, Nga, Nhật Bản, Mỹ, EU....

MỚI - NÓNG