Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia

Hiệp định Paris nhìn từ phía bên kia
TP - Bốn giờ chiều, Nhã gọi điện thoại cho Đại sứ Bunker nói rằng buổi họp với Thiệu sẽ phải hủy bỏ. “Tôi rất tiếc, nhưng một số biến cố bất ngờ vừa xảy đến; địch đang tập trung quân. Chúng tôi đang gọi tất cả các tỉnh trưởng và tư lệnh quân đoàn về Sài Gòn để họp vào sáng mai”.

>> Kỳ trước

Bunker (1) hỏi điềm nhiên: “Thế bao giờ sẽ họp vào ngày mai?”. Nhã (2) đáp: “Tôi sẽ tìm cách thông báo cho ngài sau”.

Bunker yêu cầu được nói chuyện với Thiệu, nhưng Nhã nói: “Xin Ngài tha lỗi, vì tình hình khẩn cấp, Tổng thống đã ra chỉ thị cắt hết mọi liên lạc. Ông không  muốn nói chuyện điện thoại với bất cứ ai. Tôi sẽ gọi lại Ngài chừng nào tôi biết  được thời giờ Tổng thống có thể gặp lại Ngài được”.

Sau đó mấy tiếng đồng hồ, lúc Nhã đang ở tư thất Phó Tổng thống Trần Văn Hương, anh ta nhận được điện thoại của Bunker. Bunker hỏi: “Chúng tôi có thể tới gặp Tổng thống lúc này được không? Chúng tôi sắp rời tòa Đại sứ ngay bây giờ đây”.

Nhã nói: “Trong Dinh chưa chuẩn bị. Chúng tôi có một số việc khác khẩn cấp, Ngài chưa thể gặp được Tổng thống lúc này! Tôi thực sự không muốn quý vị lên xe rồi tới tổng Dinh lại không thể vào được, vì tôi đã được Tổng thống chỉ thị là ông ta không muốn gặp  ai chiều nay hết”.

Đại sứ Bunker, lúc này mới nổi giận, vì đã bị Kissinger áp đảo tinh thần, lắp bắp: “Anh đâu có thể làm như vậy được”. Kissinger bèn giật lấy ống nói: “Đây là Tiến sĩ Kissinger”.

Nhã đáp: “Thưa ông mạnh giỏi?”.

Kissinger gặng hỏi: “Tại sao chúng tôi lại không được gặp Tổng thống?”.

Nhã đáp: “Như tôi vừa mới giải thích cho Đại sứ Bunker, tôi rất tiếc là Tổng thống không thể gặp quý vị lúc này. Ông ta sẽ gặp quý vị vào ngày mai!”.

Kissinger nói: “Tôi là Đặc sứ của Tổng thống Mỹ. Anh  thừa biết là tôi không thể được đối xử như một nhân viên chạy vặt”.

Nhã trả lời: “Chúng tôi không bao giờ coi ông là nhân viên chạy vặt, nhưng nếu ông nghĩ vậy, thì tôi đâu thể làm  gì được”.

- Tôi đòi được gặp Tổng thống!

- Xin ông cho phép tôi nhắc lại lần nữa điều mà tôi vừa thưa với ông. Tôi xin lỗi.

Kissinger trao ống nghe cho Bunker. Ông này dằn mặt: “Khôn hồn thì anh nên gọi lại cho tôi”. Sau này người ta mới hiểu tại sao Kissinger phải vội vã vô Dinh: Vì ông muốn Thiệu đồng ý để còn kịp đi Hà Nội ký tắt vào bản thảo hiệp định với Phạm Văn Đồng như ngày giờ đã định (tức 24 tháng 10 năm 1972).

Lúc đó, Kissinger lại có thêm một vấn đề khó khăn nữa muốn thanh minh cho ông Thiệu. Phóng viên Arnaud de Borchgrave vừa thực hiện được một cuộc phỏng vấn với ông Phạm Văn Đồng dành riêng cho tạp chí Newsweek,  và vừa rời Hà Nội bay qua Vạn Tượng.

Cuộc phỏng vấn khẳng định ý đồ của Bắc Việt (BV)  là coi Hội đồng Hòa hợp Dân tộc là một chính phủ liên hiệp. Muốn gửi bài về New York cho kịp hạn chót, De Borchgrave đã yêu cầu đại sứ HK ở Vạn Tượng, G.McMurtie Godley, cho phép ông sử dụng đường dây liên lạc của sứ quán.

Để có đi có lại, ông chuyển cho Đại sứ Godley một bản văn ghi đầy đủ tại chỗ cuộc phỏng vấn, cũng như các phần nói chuyện ứng khẩu của ông Đồng. Chỉ nội hai giờ sau, Kissinger đã được đọc bài phỏng vấn đó tại Sài Gòn. Ông hết sức bực mình vì âm mưu đã bị bại lộ!

Trong bài phỏng vấn, ông Đồng được hỏi về vai trò của Thiệu trong một chính phủ liên hiệp ba bên. Ông Đồng  đáp: “Thiệu đã bị những biến cố mới đây bỏ xa rồi. Và những biến cố thì có hướng đi riêng của chúng”.

Sau khi ngừng bắn sẽ có hai quân đội và hai cơ cấu hành chính, “và trong tình trạng mới ấy, họ sẽ phải tự dàn xếp lấy một chính phủ liên hiệp chuyển tiếp ba bên và ổn định tình hình sau khi Mỹ rút quân”.

Về sau Kissinger lại tiết lộ cho báo chí rằng ông rất bực tức chỉ vì ông tin rằng chính phủ liên hiệp đâu có phải là giải pháp mà ông đã “thương lượng” ở Paris? Sự thực là tuy ông không “thương lượng” nhưng ông đã để mặc cho Hà Nội tự giải thích Hội đồng đó là một chính phủ liên hiệp.

Sau khi đánh điện gửi bài về Mỹ, De Borchgrave bay qua Sài Gòn và điện thoại cho tướng Trần Văn Đôn để nhờ dàn xếp một cuộc phỏng vấn với ông Thiệu: “Sẽ quả là một điều ngạc nhiên đối với chúng tôi nếu ông Thiệu đã đồng ý ký bản hiệp định mà Phạm Văn Đồng vừa tiết lộ cho tôi biết nội dung khi tôi phỏng vấn ông ta ngày 18 tháng 10”.

Đôn liền gọi Nhã và nhờ thu xếp hộ cho De Borchgrave phỏng vấn. Đôn cũng nói sơ qua về cuộc phỏng vấn Phạm Văn Đồng của Newsweek, nhưng ông không có bản văn trong tay.

Xế trưa thứ Sáu, Kissinger lại điện thoại cho Dinh đòi gặp Thiệu, vì ông muốn cho Thiệu coi bài phỏng vấn Đồng và đồng thời giải thích với Thiệu rằng ở Paris ông đã không hề thương lượng về một chính phủ liên hiệp.

Qua máy nói, Kissinger chỉ bảo Nhã là vừa có “một biến chuyển mới, và tôi cần phải thưa chuyện với Tổng thống”. Nhưng Nhã không đổi ý, và yêu cầu Kissinger nán chờ thêm.

Mười hai giờ sáng hôm sau, thứ Bảy, 21/10, Kissinger và Bunker được mời đến gặp Thiệu. Trong hai tiếng đồng hồ họp Kissinger không nói gì đến bài phỏng vấn của De Borchgrave. Thiệu lại không biết là Kissinger đã có bài phỏng vấn, nên  chỉ duyệt lại kết quả buổi họp sáng thứ Sáu với Ngoại trưởng Lắm và HĐANQG.

Trong số 23 thay đổi mà VNCH yêu cầu, Kissinger quả quyết rằng có lẽ chỉ có thể giải quyết được 16 thôi, số còn lại phải để nguyên vì chúng đưa ra “những đòi hỏi quá đáng, không thể thỏa mãn được”. Các điểm chính là sự hiện diện của quân đội BV tại miền Nam và cương vị của Hội đồng Hòa hợp và Hòa giải Dân tộc trong tư cách một  cơ quan chính quyền.

Tới đây, nhân viên văn phòng Tổng thống bước vào đưa một mật điện từ tòa Đại sứ HK chuyển sang. Đó là một thông điệp của Nixon gửi cho Thiệu qua Kissinger. Kissinger đọc cho Thiệu nghe thông điệp vừa  nhận được. Bức điện tín của Nixon giục Thiệu ký Hiệp định và dọa rằng nếu không sẽ cắt viện trợ:

Nếu như ngài thấy Hiệp định này không thể chấp nhận được vào lúc này, và nếu như phe bên kia quả thực đã cố gắng hết sức để thỏa mãn những đòi hỏi (của chúng ta), thì, theo ý kiến của tôi, quyết định của ngài sẽ mang đến những tác dụng nghiêm trọng nhất đối với khả năng của tôi tiếp tục yểm trợ ngài và chính phủ miền Nam Việt Nam.

Thật là khéo dàn cảnh. Kissinger trao bức điện văn cho Thiệu, Thiệu chỉ mỉm cười mà không đọc. Nhã cầm lên một bản, đọc qua rồi trả lại cho Bunker, và nói “Cám ơn”. Buổi họp không một tiến triển, nhưng Kissinger đứng dậy và ra về vẫn hí hửng là Thiệu chắc chắn sẽ chấp nhận bản Hiệp định. Một phiên họp khác được định vào sáng Chủ nhật lúc 8 giờ.

Sáu giờ sáng Chủ nhật, từ tòa Đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn điện về, có đầy đủ bản văn phỏng vấn ông Đồng của De Borchgrave. Đọc xong bài phỏng vấn, Thiệu giận tím ruột.

Ông đã bảo Kissinger nhiều lần là Hà Nội coi Hội đồng ấy như một chính phủ liên hiệp thực sự, và giờ đây, ông đã có bằng chứng BV đòi cho MTGP cái quyền có một cơ cấu hành chính riêng tại miền Nam, để rồi đi đến một chính phủ liên hiệp, với sự hậu thuẫn của tất cả các lực lượng quân đội BV để lại.

Cuộc ngưng bắn “da beo” sẽ là căn bản cho một chính quyền đối nghịch. Hội đồng sẽ chính là cơ cấu để thực hiện chiến lược đó. Và đây là bằng chứng công khai.

Nhưng Thiệu quyết định không đưa “bằng chứng” ấy cho Kissinger coi, mà muốn xem chính ông này sẽ có nêu lên không: “Chúng tôi chơi trò mèo rình chuột với Kissinger và đợi xem ông ta sẽ nói gì, ông không hề đả động gì hết (về bài phỏng vấn ông Đồng)”.

Sau bốn mươi lăm phút họp vô kết quả, Thiệu nói với Kissinger là ông không thể ký các hiệp ước theo các điều kiện hiện hữu. Thế như Kissinger lại có cảm tưởng rằng Thiệu đang tìm cách dàn xếp theo ý mình muốn và lúc ra về cảm thấy phấn khởi.

Ông đánh điện ngay cho Nixon, rất lạc quan: “Tôi nghĩ là chúng tôi đã tìm được lối thoát”. Khi Kissinger bay qua Nam Vang, Bunker tiếp tục hội họp với phía VNCH và thông báo tòa Bạch cung rằng cả ông lẫn Kissinger đều thấy lạc quan khi họp với Thiệu. Bunker còn quả quyết rằng BV đã thất bại trong nỗ lực giành đất trước khi ngưng chiến.

Trong cùng ngày khi họp với HĐANQG, ông Thiệu cũng trấn an họ là sẽ không chấp nhận công thức liên hiệp, và ông tin chắc rằng Kissinger đã bị Hà Nội lừa.

Trong lúc Kissinger đang ở Nam Vang họp với Tổng thống Cam - bốt Lon Nol, thì các viên chức HK đi các nước Đông Nam Á thông báo cho Thái Lan, Đại Hàn và Lào là VNCH đã đồng ký kết hiệp định.

Tại Sài Gòn, theo chỉ thị của Kissinger, các viên chức tòa Đại sứ Mỹ cũng đi phao tin Thiệu sẽ ký!

Trong buổi gặp gỡ với Lon Nol tại Nam Vang, Kissinger còn nói năng như thể Thiệu đã hoàn toàn tán thành bản hiệp ước. Lon Nol bèn mở Champagne để chúc mừng.

Thiệu cho rằng VNCH hiểu BV hơn Mỹ, rằng Kissinger đã bị ông Thọ đánh lừa, hoặc đã có trao đổi bí mật gì với Hà Nội. Ông cố gắng giải thích cho Kissinger là ông không làm cản trở hòa bình, nhưng hiệp định là “một vấn đề sinh tử cho nước tôi”.

Thiệu càng tỏ ra cứng rắn, thì Kissinger lại càng nổi giận: “Đây là sự thất bại ngoại giao lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”. Thiệu cũng bực tức hỏi: “Sao ông vội đi tranh giải hòa bình Nobel đến thế?”.

Kissinger quay lưng đi không đáp. Bunker, lúc này cũng đã nổi nóng, bèn tiếp tục cuộc đàm thoại: “Vậy thì, thưa Tổng thống, lập trường chót của Ngài là không ký, phải không?”.

Thiệu nói: “Vâng, đó là lập trường cuối cùng của tôi. Tôi sẽ không ký và tôi xin ngài thông báo cho Tổng thống Nixon biết như thế. Xin quý vị trở về Hoa Thịnh Đốn và nói với Tổng thống Nixon rằng tôi cần được trả lời”.

Nhất quyết không chịu để cho bao nhiêu nỗ lực của mình tan vỡ, Kissinger yêu cầu  Thiệu cùng họp thêm một lần chót trước khi rời Sài Gòn vào sáng thứ Hai, ngày 23/10.

Thiệu hỏi: “Để làm gì?”.

Kissinger đáp: “Báo chí vẫn còn nghĩ là chúng ta gần đi tới được một giải pháp, vậy ta nên có một buổi họp ngắn để chứng tỏ rằng đang có sự tham khảo giữa các đồng minh”.

Thiệu nói: “Được rồi, nếu việc đó có thể giúp quý vị được chút nào, thì sáng mai ta có thể có một buổi họp ngắn, năm phút”.

Tám giờ sáng hôm sau, khi hai bên gặp nhau lại, sự việc đã rõ là Thiệu sẽ không thay đổi ý kiến. Ông trao cho Kissinger một lá thư riêng gửi Nixon, trong đó, ông tóm lược những điểm phản đối của VNCH, nhắc lại rằng ông  muốn ký kết một hiệp định hòa bình, nhưng chỉ với những điều kiện thỏa đáng và khi nào đến  đúng lúc.

Trước khi từ giã, Kissinger yêu cầu Thiệu: “Tôi yêu cầu có một sự đồng ý giữa chúng ta là không tiết lộ  cho báo chí biết bất cứ điều gì đang diễn tiến. Hãy làm như chúng ta đã có  được một buổi họp xây dựng”. Kissinger bắt tay Thiệu và vội vã ra về.

Tới phi trường Tân Sơn Nhất, Kissinger đã thấy một đám ký giả và nhiếp ảnh chờ sẵn. Ông ngừng lại vài phút. Có một phóng viên hỏi: “Chuyến đi này có được việc không?”.

- Được việc.

- Có xây dựng không?

- Xây dựng. Như bất cứ lần nào tôi đến đây.

- Ông có trở lại đây nữa không?

Ông không đáp, mà chỉ nhoẻn miệng cười ngoại giao nổi tiếng của mình.

Thiệu chỉ thị cho Nhã soạn thảo một bản nhận định mô tả “bốn ngày thảo luận xây dựng để đi đến một cuộc hòa giải”. Rồi ông triệu tập HĐANQG. Bằng những từ ngữ lạnh lùng,  không xúc cảm, ông tóm lược những điểm bất đồng ý kiến trong mấy buổi họp cuối cùng với Kissinger và Bunker.

Ông nói: “Ta sẽ không ký kết trừ khi nào đã có được những sửa đổi”. Sau buổi họp này, Thiệu gặp Nhã riêng trong Dinh. Nhã hỏi: “Bây giờ mình sẽ làm gì? Đây là lúc phải có hành động cứng rắn. Chắc là khi về tới Hoa Thịnh Đốn, Kissinger sẽ gọi báo chí đến và bảo họ rằng mình làm trở ngại hòa bình. Ông ta sẽ nói là mình chơi xấu, không có thiện chí. Vậy thì mình phải hành động trước”.

Thiệu hỏi: “Hành động trước cách nào? Nếu nói ra những gì mình đã thảo luận, thì mình sẽ là người bội ước với Kissinger”.

Nhã đề nghị ông Thiệu lên đài truyền hình thảo luận về kế hoạch mới nhất của Hà Nội, theo như cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Đồng đã được đăng tải trên báo chí, và chỉ nên giới hạn vào kế hoạch đó thay vì nói đến những điểm ghi trong bản dự thảo hiệp định: “Vì những điểm này thực chất tương tự như bản văn Kissinger mang qua Sài Gòn, ta có thể chỉ tấn công mưu đồ của Cộng sản và ngụ ý rằng đó là những gì mình đã thảo luận với Kissinger…

Đó là lối lẩn tránh vấn đề rất khéo. Mình sẽ dùng chính kỹ thuật của Kissinger: Lấy gậy ông đập lưng ông”.

(Còn nữa)

(1): Ellsword Bunker - Đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH.
(2): Hoàng Đức Nhã - Bí thư kiêm Tham vụ báo chí của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu.

----------------------

(Trích từ cuốn sách “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập” – TS kinh tế học Nguyễn Tiến Hưng, nguyên cố vấn đặc biệt của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Jerrold L.Schecter, nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time biên soạn).

MỚI - NÓNG