“Hiện tượng Đỗ Nhật Nam” qua ý kiến chuyên gia nước ngoài

“Hiện tượng Đỗ Nhật Nam” qua ý kiến chuyên gia nước ngoài
Theo một số chuyên gia làm trong ngành giáo dục tại Nhật Bản, việc có được một hoặc nhiều cậu bé còn nhỏ mà ham học, ham mê đọc sách, dịch sách như Đỗ Nhật Nam là một điều tốt cho Việt Nam. Nên trân trọng và tôn trọng niềm đam mê của cậu bé.

“Không nên “ném đá” đứa trẻ 11 tuổi”

Bé Đỗ Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn.
Bé Đỗ Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn..

Xung quanh những tranh luận, chỉ trích về phát ngôn của dịch giả 11 tuổi Đỗ Nhật Nam khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo, tôi có cùng quan điểm với nhà báo Trương Anh Ngọc, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ca sỹ Tạ Quang Thắng, rằng: "Cần tôn trọng suy nghĩ của một cậu bé 11 tuổi khi cháu dám nói lên suy nghĩ của mình. Câu chuyện về một cậu bé thích đọc sách, dịch sách và từ nhỏ đã coi sách là một người bạn cần được nhân rộng và coi là tấm gương lớn cho nhiều người, đặc biệt là với giới trẻ hiện tại". (Trích ý kiến của nhà báo Trương Anh Ngọc).

Xem clip bé Đỗ Nhật Nam trả lời phỏng vấn, không ít người chỉ trích (ném đá) bé Nam, cho rằng:

1. Cậu bé còn nhỏ mà thiếu khiêm tốn.

2. Thành công sớm quá để làm gì trong khi tuổi thơ bị đánh mất?

3. Câu nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn là sai lầm".

Tôi đã cùng với những người bạn nước ngoài làm trong ngành giáo dục, cùng phòng nghiên cứu với tôi tại Japan Foundation và Học viện nghiên cứu chính sách GRIPS (Nhật Bản) xem video clip phỏng vấn bé Nam. Sau đó, tôi dịch lại cho họ nghe phần trả lời phỏng vấn của bé, rồi hỏi để có thể nhận được những ý kiến khách quan từ những chuyên gia nước ngoài. Và những chuyên gia nước ngoài đã có những ý kiến về những chỉ trích vô lý, thái quá đối với bé Đỗ Nhật Nam như sau:

Tác giả: Các bạn nghĩ sao về bé Đỗ Nhật Nam và một số ý kiến chỉ trích hiện nay về bé?

Chuyên gia: Việc có được một hoặc nhiều cậu bé còn nhỏ mà rất ham học, ham mê đọc sách, dịch sách như thế này là một điều rất tốt cho Việt Nam. Chúng ta nên trân trọng và tôn trọng niềm đam mê của cậu bé ấy. Các nước như Nga, Mỹ, Nhật đều luôn coi trọng và tuyển mộ những người tài từ khắp nơi đấy thôi. Chúng ta có thể nhìn vào tấm gương của bé để khích lệ con cháu mình thêm tự tin, có niềm đam mê đọc sách và ham học hỏi như thế.

Có một số ý kiến cho rằng, cậu bé không khiêm tốn khi liệt kê một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình. Các bạn nghĩ sao?

Có vẻ như nhiều người Việt Nam thấy rằng, cậu bé chưa thực sự khiêm tốn khi kể ra một loạt thành tích trong môn học tiếng Anh của mình trước đông đảo khán giả. Nhưng chúng tôi cho rằng, cậu bé đang đưa ra những dẫn chứng, bằng chứng cụ thể cho thành tích học tiếng Anh của cậu. Những thành tích đó rất có thể, sẽ là động lực cho các trẻ em khác ở Việt Nam noi theo và hướng đến. Chúng tôi cho rằng, cùng với những trải nghiệm trong tương lai, cậu bé sẽ học hỏi thêm được nhiều điều, và sẽ điều chỉnh để cách diễn đạt của mình thể hiện được sự khiêm tốn. Cậu bé mới chỉ 11 tuổi thôi mà.

Có một số ý kiến cho rằng, việc bé Nam mới 11 tuổi mà đã có thành tích về tiếng Anh như vậy là do bé đọc quá nhiều sách, học quá nhiều. Do vậy, bé không có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nam hoặc chính bố mẹ Nam đã đánh mất đi tuổi thơ của bé. Các bạn nghĩ sao về điều này?

Chúng tôi thấy thế này, một người mạnh về mặt này, đương nhiên, người ta sẽ thiếu đi mặt khác. Bé Nam cảm thấy hạnh phúc với niềm đam mê của mình, đó chẳng phải là một điều tốt với bé rồi hay sao? Chính bé đang cảm thấy rất hài lòng trong thế giới sách của mình đấy thôi?

Tôi cũng nghĩ như vậy. Một số người đã thái quá khi nói về việc "đánh mất tuổi thơ của bé Nam". Dường như họ đang áp đặt rằng, mọi trẻ em phải có một tuổi thơ giống nhau. Tôi cũng cho rằng, Nhật Nam đang tận hưởng tuổi thơ với những hứng thú của chính bản thân bé. Còn về việc bé nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" thì các bạn nghĩ sao?

Chúng tôi không bàn tới chuyện đúng hay sai trong câu nói này của cậu bé. Điều chúng tôi muốn nói là cậu bé đã thể hiện sự tự tin khi phát ngôn, thể hiện quan điểm khi nói lên chính kiến của mình. Đó là một điều tốt mà chúng tôi nhận thấy. Chúng tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, Nam mới chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Cùng với những trải nghiệm, những kiến thức mà cậu bé tiếp tục học trong tương lai, cậu bé sẽ nhận thức vấn đề một cách sâu sắc hơn. Chúng tôi tin rằng, cùng với nhận thức ngày một lớn, cậu ấy sẽ khác, sẽ thể hiện sự trưởng thành của mình thôi mà.

Theo Nguyễn Song Lan Anh
(Từ Saitama, Nhật Bản)

* Tác giả đang theo học khóa học Tiến sỹ, chương trình nghiên cứu giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản, Học viện Nghiên cứu Chính sách GRIPS Japan Foundation và Japan Foundation, Nhật Bản.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG