Hiện tượng đáng ngại ở Nhật Bản sau đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ở Nhật Bản, gần 1,5 triệu người đã rút khỏi xã hội, chủ yếu chỉ sống thu hẹp trong bốn bức tường nhà, một nghiên cứu mới của chính phủ nước này cho biết.
Hiện tượng đáng ngại ở Nhật Bản sau đại dịch COVID-19 ảnh 1

Một con phố trống trải ở Tokyo tháng 4/2020. (Ảnh: Getty)

Hiện tượng này được gọi là hikikomori, nghĩa là “đóng cửa”. Chính phủ Nhật Bản định nghĩa khái niệm này là những người sống cô lập trong ít nhất 6 tháng. Một số người chỉ ra ngoài mua thực phẩm hoặc làm một số việc không thường xuyên, thậm chí có những người không rời khỏi phòng ngủ.

Cụm từ hikikomori có từ những năm 1980, nhưng giới chức Nhật ngày càng lo ngại về hiện tượng này. Kết quả khảo sát do Cơ quan trẻ em và gia đình thuộc Chính phủ Nhật Bản cho thấy, giai đoạn đại dịch COVID-19 càng khiến tình hình tồi tệ hơn.

Theo cuộc khảo sát trên cả nước, trong số 12.249 người trả lời, khoảng 2% những người tuổi từ 15-64 mắc hội chứng hikikomori. So với dân số Nhật Bản, tỷ lệ này cho thấy có khoảng 1,46 triệu người sống tách biệt với xã hội.

Những lý do phổ biến để họ sống tách khỏi xã hội gồm mang thai, mất việc làm, ốm đau, nghỉ hưu, quan hệ xã hội hạn hẹp. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là COVID-19, với hơn 1/5 người trả lời cho biết đại dịch là yếu tố quan trọng khiến họ sống thu hẹp.

Nhật Bản áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm khắc trong suốt năm 2022, dù nhiều quốc gia khác đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh. Nhật Bản mới mở cửa biên giới với du khách nước ngoài từ tháng 10 năm ngoái, chấm dứt biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới sau hơn 2 năm.

Tuy nhiên, tác động của mấy năm kiểm soát có vẻ còn kéo dài.

“Do COVID-19, cơ hội tiếp xúc với mọi người giảm đi”, theo một báo cáo khác được đăng trên Thư viện Quốc hội Nhật Bản.

Báo cáo cho biết, đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn những vấn đề xã hội như cô đơn, tách biệt và khó khăn tài chính, dẫn đến gia tăng số vụ tự tử, bạo lực gia đình và trẻ em.

Theo CNN
MỚI - NÓNG