Hiên ngang vươn khơi

Tàu vỏ thép của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) trước giờ ra khơi. Ảnh: Nguyễn Thành
Tàu vỏ thép của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) trước giờ ra khơi. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Mạnh dạn vay vốn, đóng mới tàu cá, ngư dân miền Trung tự tin với những con tàu “khủng”, hiện đại thẳng tiến Hoàng Sa – Trường Sa đánh bắt, ngày đêm bám biển góp sức bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Lên đời tàu cá

Nghị định 67 nay được sửa đổi thành Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai hơn 1 năm qua đã đem đến niềm vui lớn cho ngư dân miền Trung. Những con tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất lớn được đóng mới hiên ngang đạp sóng giữa biển trời Hoàng Sa – Trường Sa.

Bao năm đi biển với con tàu vỏ gỗ, anh Trần Văn Mười (30 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thường xuyên đối mặt những sự cố đột ngột trên biển dù trước chuyến đi đã chuẩn bị kỹ càng. Anh kể, lắm chuyến đang chuẩn bị đánh bắt thì tàu hỏng máy phải thả trôi trên biển, anh em thay nhau hì hục sửa chữa, tìm đủ cách khắc phục, mấy ngày sau vẫn không xong phải cầu cứu tàu khác từ bờ ra hỗ trợ. Những chuyến biển như vậy xảy ra thường xuyên và anh em trắng tay về bờ.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Tháng 3 vừa qua, con tàu vỏ thép ĐNa 90777 có tổng mức đầu tư 18,5 tỷ đồng đóng mới theo Nghị định 67 do anh làm chủ chính thức hạ thủy. Con tàu dài 30,8m, rộng 7,5m, cao mạn 3,9m, mớn nước thiết kế 2,7m, tổng công suất 822CV, vận tốc đạt 10 hải lý/giờ. 

Đứng bên con tàu, anh hồ hởi: “Tàu này chứa được hơn 250 tấn hải sản, với hệ thống làm lạnh bằng công nghệ tiên tiến cách nhiệt PU. Tàu đủ chỗ ăn ngủ rộng rãi cho 20 bạn tàu và có thể hành nghề trên biển cả mấy tháng trời. Từ nay tôi hết phải lo đánh bắt cầm chừng, bỏ chuyến nữa rồi”.

Tàu cá QNa 94679 của lão ngư Trân Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) cũng là tàu vỏ thép vừa được đóng mới. Đây là tàu vỏ thép có công suất lớn nhất tỉnh Quảng Nam với công suất máy 940CV, có tổng mưc đầu tư gần 17 tỷ đồng. Trong đó, 14 tỷ đồng ông được ngân hàng cho vay, số tiền còn lại ông tự đối ứng. 

Có tàu mới, ông Liên phấn khởi vì ước mơ bao lâu nay đã thành hiện thực. “Tàu là nhà, biển là sân vườn. Nhà càng to, càng vững chãi, ắt làm chủ được sân nhà. Từ nay anh em sẽ hiên ngang bám biển” ông Liên khẳng khái.

Hiên ngang vươn khơi ảnh 1

Ngư dân Trần Công Kỳ trên con tàu vỏ thép hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thành

Trong sự kiện Trung Quốc kéo dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, ngư dân Ngô Ri (thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) được biết đến với việc ra khơi dũng cảm đối đầu với tàu Trung Quốc, góp sức giữ chủ quyền. Thời điểm đó, tàu cá QNa-91559 của ông Ri bị tàu Trung Quốc vây ép, húc hỏng. Trở về sau sự kiện đó, ông Ri ấm ức, nuôi quyết tâm vươn khơi Hoàng Sa bám biển đến cùng. 

Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đăng ký vay vốn, bán tàu QNa-91559 để có vốn đối ứng. Những ngày này, ông đang nóng lòng chờ ngày tàu vỏ thép giá hơn 15 tỷ đồng của mình hạ thủy để được ra lại Hoàng Sa. “Gần nửa năm chưa ra Hoàng Sa, nhớ lắm. Anh em, bạn bè, thuyền viên mùa này đang ở hết ngoài đó đánh bắt. Tôi đang nóng lòng chờ tàu đóng xong, để sớm ra lại Hoàng Sa!”, ông Ri phấn chấn.

Những chuyến biển bội thu!

Về bờ sau chuyến biển đầu tiên đánh bắt ở Hoàng Sa, tuy mới thử nghiệm chuyến đầu trong vòng nửa tháng, nhưng tàu ĐNa 90777 đã đưa về bờ hơn 15 tấn hải sản. Anh Mười tính toán doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ hết chi phí anh thu về gần 100 triệu đồng. Chuyền biển này cũng là lần đầu tiên thuyền trưởng Trần Tiến Hùng được cầm lái con tàu vỏ thép hiện đại.

Anh Hùng chia sẻ: “Tàu không khó điều khiển, chạy mạnh, nhanh và êm, cảm giác rất an tâm, vững chải dù gặp gió to, sóng lớn. Tất cả các thiết bị, ngư cụ trên tàu đều hoạt động trơn tru nên năng suất đánh bắt rất cao”. Tiếp nối thành công, cuối tháng 4 tàu ĐNa 90777 sẽ lại ra khơi, dự định sẽ đi dài ngày hơn nữa ở ngư trường Hoàng Sa. Anh Mười bảo: càng làm anh em càng có kinh nghiệm hơn trong vận hành và đánh bắt bằng tàu vỏ thép. Làm chủ tàu hiện đại, sản lượng đánh bắt và năng suất lao động sẽ tăng hơn nhiều. Những chuyến biển nhờ đó bội thu hơn trước. 

Hiên ngang vươn khơi ảnh 2

Những ngày cuối tháng 4 này, ông Liên cũng tất bật hoàn thành các thủ tục cần thiết để ra khơi bám biển với con tàu vỏ thép của mình. Ông Liên  cho biết: Trước đây bám biển bằng tàu vỏ gỗ ông và các thuyền viên cũng đã tung hoành khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Giờ đây có tàu vỏ thép thì càng tự tin và phấn khởi hơn nhiều bởi tàu có khả năng hoạt động, chống chọi với điều kiện bão gió cấp 9.

Mấy năm nay, ông Liên và anh em thuyền viên không xa lạ với việc tàu cá nước ngoài trong đó có tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và thường xuyên quấy phá tàu cá của ngư dân. Ông bảo, điều khiến ngư dân yên tâm hơn và tin tưởng nhất là tàu Trung Quốc sẽ e dè chứ không ngang ngược như trước đây nữa vì ngư dân đã có tàu vỏ sắt, bề thế, hiện đại ngang với tàu cá của họ.

Hiên ngang vươn khơi ảnh 3

Tàu vỏ thép QNa-90318 có công suất 822CV của hai cha con ngư dân Trần Công Kỳ và Trần Công Ba (xã Tam Quang, Núi Thành) cùng 3 tàu vỏ thép khác của của ngư dân trong vùng vừa nhổ neo vươn khơi bám biển Hoàng Sa đánh bắt những chuyến đầu tiên. Trước giờ xuất bến, ông Kỳ khởi động máy, kiểm tra giàn đèn dụ mực, bật sáng lóa 200 đèn cao áp của con tàu có giá 17,7 tỷ đồng. 

Từ cảng cá Tam Quang, 4 con tàu như những tòa lâu đài rạng rỡ tiến dần ra biển khơi. Sau hơn nửa tháng đánh bắt, từ Hoàng Sa, các ngư dân điện về cho biết: việc đánh bắt đang thuận lợi, tàu cá thu được hàng chục tấn hải sản. Quan trọng hơn, những tàu vỏ thép đoàn kết, sát cánh cùng nhau hiên ngang giữa biển Hoàng Sa, yên tâm đánh bắt không còn lo sợ gì!

Mấy năm nay, ông Liên và anh em thuyền viên không xa lạ với việc tàu cá nước ngoài trong đó có tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam và thường xuyên quấy phá tàu cá của ngư dân. Ông bảo, điều khiến ngư dân yên tâm hơn và tin tưởng nhất là tàu Trung Quốc sẽ e dè chứ không ngang ngược như trước đây nữa vì ngư dân đã có tàu vỏ sắt, bề thế, hiện đại ngang với tàu cá của họ.

Mang biểu tượng Lạc Hồng ra Hoàng Sa

Trước mũi tàu ĐNa 90777 có biểu tượng chim lạc, trống đồng. “Con tàu này sẽ thường xuyên khai thác ở hai ngư trường trọng điểm Hoàng Sa – Trường Sa. Bằng những biểu tượng mang đậm tính dân tộc, con tàu sẽ góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, đồng thời hun đúc tình yêu biển đảo quê nhà, giữ vững chủ quyền lãnh hải cho ngư dân”, Anh Mười khẳng khái.

MỚI - NÓNG