Haemaphysalis longicornis, hay còn gọi là ve sừng dài, có nguồn gốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo các nhà khoa học, chúng thích khu trú trên cơ thể con người, gia cầm, gia súc, động vật gặm nhấm và chim hoang dã.
Loại bọ ve sừng dài là loài mới di cư vào Mỹ trong vòng 50 năm qua, khi người ta tìm thấy nó trên cơ thể một con cừu ở hạt Hunterdon, bang New Jersey hồi cuối năm ngoái.
Gần đây, người ta cũng thấy bọ ve trên gia súc tại Virginia, Tây Virginia, Arkansas và tại nhiều địa điểm ở Quận Westchester bang New York.
Trong một tuyên bố gần đây, Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ tiêu dùng Bắc Carolina cho biết: “Đây là một côn trùng gây hại nghiêm trọng cho các vùng nông thôn và hiện vẫn chưa xác định chúng được đưa vào Mỹ từ nguồn nào”.
Ngoài Đông Nam Á, bọ ve sừng dài còn đe dọa đàn gia súc ở Australia và New Zealand. Các bệnh ở người lây truyền qua bọ ve ở châu Á bao gồm sốt phát ban do Rickettsia (những vi sinh vật có cấu trúc giống với tế bào vi khuẩn), nhiễm trùng do vi khuẩn từ thể nhẹ đến đe dọa đến tính mạng.
Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đến từ bọ ve sừng dài là phlebovirus, gây sốt cao với hội chứng giảm tiểu cầu (SFTS), một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giống như bệnh sốt xuất huyết.
Căn bệnh này giờ đã trở thành một nguy cơ rõ rệt đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, không chỉ ở châu Á mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.