Hết thời xây dựng 'bỏ quên' giao thông

TP - Trong khi nhiều địa phương khác còn băn khoăn trong việc “sáp nhập” các cơ quan đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau thì Lào Cai và Hà Giang đã mạnh dạn đi đầu trong việc thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập Sở Xây dựng với Sở GTVT, Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh…
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang họp báo về việc hợp nhất các cơ quan chính quyền với cơ quan Đảng

Hợp nhất cơ quan Đảng với chính quyền 

Khác với nhiều địa phương trước đó, Hà Giang thực hiện việc thí điểm hợp nhất các cơ quan của Đảng với chính quyền theo mô hình từ trên xuống dưới, tức là tỉnh làm trước rồi mới đến huyện. Ông Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18, Hà Giang đã tiến hành lập đề án để thí điểm việc hợp nhất các cơ quan đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau như Sở Nội vụ với Ban Tổ chức thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra thành cơ quan Ủy ban Kiểm tra - thanh tra tỉnh. 

Để bảo đảm sự phù hợp, tỉnh đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan có liên quan như Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ... Đến tháng 8/2018, Bộ Chính trị thông báo kết luận đồng ý cho chủ trương giao cho Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy xem xét thực hiện thí điểm này. Ngay sau khi có kết luận trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương xem xét và trình ra Ban Chấp hành Tỉnh ủy. Ngày 21/9, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Hà Giang chính thức thông qua nghị quyết về việc hợp nhất hai cơ quan trên.

Theo ông Tài, khâu chuẩn bị là quá trình dài và khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là làm sao thống nhất được tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan hợp nhất và trong tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành. Sau khi hợp nhất, Ban Tổ chức - Nội vụ có 6 phòng chuyên môn, giảm 9 phòng, còn 18 lãnh đạo, giảm 11 người so với trước. Cơ quan này sẽ làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trả lại trụ sở Sở Nội vụ cho UBND tỉnh quản lý.

Tương tự cơ quan Kiểm tra - thanh tra, sau khi hợp nhất, còn lại 6 phòng trực thuộc, giảm 5 phòng so với trước với tổng biên chế 61 người (không thay đổi so với cũ). 

Về những lo ngại cho rằng, sau khi hợp nhất thì quyền lực của người đứng đầu hai cơ quan trên quá lớn, dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Tài khẳng định, bên nhà nước khi trực tiếp tham mưu về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ thì vẫn trình qua Ban Thường vụ tỉnh uỷ mới quyết định được. “Trong mối quan hệ công việc giữa tổ chức và nội vụ không có gì “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà còn phát huy vai trò tham mưu rất tốt, kịp thời và xuyên suốt”, ông Tài khẳng định.

Ông Lê Quang Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, sau khi hợp nhất thì cơ quan Uỷ ban Kiểm tra vẫn hoạt động theo các quy định của Đảng, còn bên thanh tra vẫn hoạt động theo chức năng của Nhà nước, không sợ “nhầm vai” hay vừa đá bóng vừa thổi còi. “Thay đổi nhận thức, cơ quan cũ, bộ máy cũ rất cồng kềnh, chồng chéo nhưng “sống” lâu nên quen rồi. Nay thay đổi là điều không dễ nhưng vẫn phải quyết làm vì mục đích chung, để bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo và hiệu quả được nâng cao”, ông Minh nói.

Hết thời xây dựng “bỏ quên” giao thông

Mặc dù, Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được ban hành, nhưng khi triển khai thực hiện Nghị quyết 18,19 của Trung ương, Lào Cai đã mạnh dạn thực hiện thí điểm sáp nhập Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành Sở GTVT- Xây dựng.

Theo đó, Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Lào Cai; thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về: Kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải; an toàn giao thông; quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; thị trường bất động sản… Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Sở GTVT - Xây dựng có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Sở có 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ… 

Là người từng có thời gian dài tham gia vào quá trình soạn thảo xây dựng tổ chức bộ máy, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc sáp nhập các sở, ngành, hay các bộ, ngành có chức năng tương đồng với nhau lẽ ra phải làm từ lâu. “20 năm trước, chúng ta đã nghiên cứu và đề xuất thực hiện. Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau nên không thực hiện được, để lại hậu quả nặng nề, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, tiêu tốn ngân sách mà hiệu quả lại không cao”.

Dẫn ví dụ về việc sáp nhập Sở Xây dựng với Sở GTVT, ông Phúc cho rằng, về cơ bản chức năng nhiệm vụ của hai đơn vị trên là tương đồng nhau - cùng làm về mảng xây dựng. Hơn nữa, do phân tán, hai sở riêng biệt nên đôi khi dẫn đến tình trạng mạnh ai đó làm, không có sự gắn kết giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch giao thông, rất bất cập. “Chúng ta đang hướng đến việc chuyển đổi chức năng từ quản lý trực tiếp sang gián tiếp, bằng chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát. Còn những việc khác để thị trường, người dân và doanh nghiệp làm”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ khẳng định, việc hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng sẽ góp phần nâng cao chất lượng và sự gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, việc hình thành một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị. 

Không chỉ hai sở trên, theo ông Thang Văn Phúc, hiện nay còn rất nhiều sở, ngành khác cũng có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau. Đơn cử như Sở KH&ĐT và Sở Tài chính. Một bên ra quyết định đầu tư, một bên quyết định về tiền. Nếu sáp nhập lại thì sẽ khắc phục được tình trạng người ra quyết định đầu tư dự án nhưng lại không biết trong tay có bao nhiêu tiền. “Có rất nhiều dự án cứ quyết đầu tư nhưng rồi không có tiền nên dự án cứ kéo dài lê thê, không hiệu quả, chậm tiến độ. Nay nhập vào chung một sở thì “tiền có đến đâu làm đến đấy”, chứ không phải quyết dự án rồi mới đi hỏi nơi khác “có tiền không”, ông Phúc bình luận.