Hết thời đẩy thú hoang lên sàn diễn

Những con voi tại Đầm Sen không còn tham gia diễn xiếc mà được chăm sóc để phục vụ khách tham quan.
Những con voi tại Đầm Sen không còn tham gia diễn xiếc mà được chăm sóc để phục vụ khách tham quan.
TP - Ngành xiếc TPHCM rúng động vì Liên minh châu Á vì động vật gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Tổ chức này đồng thời cũng gửi thư tới Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đề nghị xem xét lại vấn đề sử dụng động vật trong các buổi biểu diễn xiếc tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Những môn xiếc thú vốn hấp dẫn người xem, hóa ra lại là những hành vi ngược đãi, hành hạ động vật.

Tại TPHCM, chỉ Công viên văn hóa Đầm Sen là chuyên diễn xiếc thú. Chúng tôi tới đây vào cuối tuần, người tham quan đông nghẹt. Cô Loan, quê Bến Tre nói: “Thành phố có nhiều điểm tham quan nhưng Đầm Sen nằm ở trung tâm, có nhiều trò chơi cho các cháu và có xiếc thú rất hay”. Vé trọn gói tham quan là 300.000 đồng/người. Đoàn của cô Loan với gia đình và bạn bè gồm 15 người, đều mua vé trọn gói. Anh Minh, người thành phố, cuối tuần đi chơi, mua vé vào cổng 100.000 đồng/người cho gia đình rồi mua thêm vé xem xiếc thú 30.000 đồng/người nữa. Việc vận chuyển thú đi lưu diễn khá khó khăn nên diễn xiếc thú ngay tại Công viên có thể nói là ưu thế của Công viên Đầm Sen.

Sau khi bị Liên minh châu Á vì động vật chỉ đích danh “Việc công viên văn hóa Đầm Sen sử dụng gấu, ngựa... để biểu diễn xiếc là để phục vụ mục đích thương mại, chúng tôi tin rằng hành vi này là trái pháp luật”, mọi hoạt động biểu diễn đều được dừng lại. Anh Nguyễn Văn Giàu, người dẫn chương trình xiếc thú tại Đầm Sen nói với phóng viên: “Quốc tế lên tiếng về việc lạm dụng động vật hoang dã nên chúng tôi đã ngừng diễn hai tuần nay. Đây là ngày diễn đầu tiên sau lệnh cấm. Chúng tôi cũng rất ái ngại lo công việc và thu nhập sẽ bị ảnh hưởng. Anh xem, buổi diễn hôm nay chỉ hơn một trăm người xem thôi”. Anh Giàu cho biết tiết mục xiếc gấu mà Liên minh châu Á vì động vật phản đối đã bị loại bỏ khỏi chương trình.

 “Chỉ còn mười lăm phút nữa chương trình diễn xiếc của chúng tôi sẽ bắt đầu”. “Chỉ còn mười phút nữa chương trình diễn xiếc của chúng tôi sẽ bắt đầu”... Tiếng loa phóng thanh phát ra mời gọi. Những người làm trong công viên nói với chúng tôi: “Lương chúng tôi chỉ 7 triệu mỗi tháng thôi, với công việc vừa chăm thú vừa biểu diễn, vừa phục vụ khách tham quan. Tết không nghỉ, lễ không nghỉ”. 

Nhiều người ghé quầy mua vé, có cụ già năn nỉ với anh bảo vệ: “Cho bác vào xem đi”. Mọi người bảo: “Bác cứ vào xem miễn phí thì anh em nghệ sĩ sống bằng gì?”. Thế nên cụ chỉ mua vé cho các cháu, còn mình thì ngồi ngoài.

Hết thời đẩy thú hoang lên sàn diễn ảnh 1 Tiết mục xiếc trăn tại Đầm Sen.

“Hai mà một”

Nếu những người nghệ sĩ vừa kiêm luôn việc chăm sóc hướng dẫn tham quan vườn thú thì những con thú cũng vừa là “nghệ sĩ” lúc trên sàn diễn lại vừa là “động vật hoang dã” khi được đưa ra nơi trưng bày. Một người trong công viên nói: “Số lượng thú quý hiếm có hạn nên mọi người đều muốn tham quan, thưởng lãm. Hai con gấu, vào giờ diễn thì lên sân khấu đóng trang phục đẹp vào, hết giờ diễn lại vào chuồng để khách tham quan chụp ảnh”.

Anh Giàu làm M.C của chương trình diễn xiếc thú, anh có khiếu hài hước, hàng vạn khách đã quen giọng nói bốc lửa của anh, nhưng khi buổi diễn kết thúc, anh lại trở về với công việc khác của mình đó là dọn phân voi. Anh đã làm quản tượng, chăm hai con voi hơn 20 năm. “Tôi nghe nói chúng là voi Bản Đôn đem về đây”. Trên báo chí đưa hình ảnh xiếc voi biểu diễn tại Đầm Sen, song anh Giàu tiết lộ: “Hai con voi đã quá già nên không biểu diễn được nữa, hiện giờ chỉ để cho khách tham quan thôi”. Hai cá thể voi cái, không có con đực, chúng bị xích sắt, mỗi ngày một con ăn khoảng 150kg cỏ, mía. Cởi bộ quần áo M.C sặc sỡ, anh Giàu lại lăn vào chân hai con voi để vệ sinh cho thú yêu. “Một con tên là Chan, một con là Van – người quản tượng tâm sự - Thay vì tắm suối thì chúng phải quen với việc tắm bằng nước vòi đã 30 năm rồi”.

Khuôn viên chật hẹp khá bất lợi cho vườn thú Đầm Sen. Nơi đây những con voi, hươu cao cổ, đười ươi, cá sấu… đều nuôi nhốt trong những nhà lồng chật hẹp và hai con voi chỉ có một khoảng không gian vừa đủ để nó có thể quay trở thân xác cồng kềnh quanh cái cọc sắt chôn dưới đất. Có lẽ chỉ lên khấu là cơ hội để những chú khỉ được đến với một không gian thoáng đãng hơn. Chúng háo hức đợi sau cánh gà cho đến tiết mục của mình. Mấy con khỉ liên tục đòi lao ra sân khấu dù tiết mục chưa tới.   

Hết thời đẩy thú hoang lên sàn diễn ảnh 2 Thú cưng được đưa lên sàn diễn. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Thế giới trẻ thơ

Ngày biểu diễn xiếc đầu tiên sau hai tuần bị cấm đã vắng bóng hai con gấu khổng lồ. Hôm nay, hai con gấu vẫn nằm trong lồng ở ngoài vườn. Cảnh báo của tổ chức quốc tế là bước ngoặt trong cuộc đời hai con thú quý hiếm. Chúng không bao giờ còn nghe tiếng vỗ tay.

Chị Tuyết Hoa, một khán giả Bình Dương nói: “Gấu là động vật quý hiếm, ở nước ta giờ có ai nhìn thấy gấu trong tự nhiên nữa!”. Một số khán giả bảo: “Ở ta có diễn xiếc gấu ở Đầm Sen TPHCM và diễn xiếc gấu ở Nha Trang giờ bị quốc tế cấm cửa cả rồi”. Những tiết mục xiếc gấu luôn được xem là tiết mục đinh. Liên minh châu Á vì động vật cảnh báo “việc sử dụng các loài nguy cấp, quý hiếm trong hoạt động này là trái với quy định, pháp luật Việt Nam”.

Người phụ trách công việc diễn xiếc thú tại công viên nói với chúng tôi ở hậu đài: “Tôi không thể trả lời phỏng vấn anh được vì việc này ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi”.  Những người thông thạo về đoàn xiếc cho biết: “Hai con gấu thôi không diễn nữa, mất đi một tiết mục hấp dẫn. Nghệ sĩ chuyên biểu diễn xiếc gấu giờ chưa có việc làm, tạm chuyển sang làm đạo cụ sân khấu rồi”.

Chương trình biểu diễn xiếc thú tại Công viên Đầm Sen vẫn tiếp tục sau hai tuần gián đoạn với tiết mục xiếc trăn. Hai con trăn lớn được đưa ra, một con quấn cổ người nghệ sĩ và một con thò đầu của nó vào cổ họng người biểu diễn. Tiếp theo đó, đàn khỉ khiến bọn trẻ háo hức với trò nhào lộn, đạp xe, cưỡi ngựa gỗ. Một con khỉ già cực kỳ thông minh có thể tham gia trò tung hứng mũ, vòng điêu luyện như nghệ sĩ vậy. Hai mươi phút xiếc thú diễn ra trong tiếng tiếng vỗ tay của người xem trong khán phòng hình tròn sức chứa 600 khán giả.

“Không còn tiết mục xiếc gấu, xiếc voi nữa, các tiết mục khác sẽ phải cố gắng hơn để khán giả không cảm thấy bị hụt hẫng” – quản trò chia sẻ. Một con chó thực hiện màn nhảy qua các vòng tròn, con dê cõng khỉ trên lưng đi qua cầu, con khỉ trồng chuối, đưa hai chân lên trời, thực sự hấp dẫn với thế giới trẻ thơ.

Khi đèn sân khấu tắt, đàn khỉ chạy vào cánh gà, những đứa trẻ phấn khích, cánh cửa rạp xiếc mở ra, cụ già khắc khổ vẫn ngồi đợi cháu ngoài cửa như pho tượng. Để tiết kiệm một cái vé 30.000 đồng, bà ngồi ngoài rạp xiếc, lắng nghe tiếng cười của chúng vọng ra qua khe cửa. Bà hỏi: “Hay không các cháu?”. Bọn trẻ cùng ồ lên: “Hay quá bà ơi! Hôm nào bà lại cho chúng cháu đi xem nữa nha bà”.

Anh Giàu, tâm sự: “Đoàn xiếc chúng tôi có 9 người và chúng tôi muốn có công ăn việc làm ổn định. Khi nghe tin xiếc động vật hoang dã bị cấm diễn, anh em rất hoang mang. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục công việc phục vụ khán giả nhí bằng cách chuyển mạnh sang biểu diễn các tiết mục thú nuôi, như xiếc chó, xiếc dê, xiếc vịt… Mong quý khán giả tiếp tục ủng hộ ngành xiếc chúng tôi”. M.C kiêm quản tượng voi sắp nghỉ hưu nhưng chất giọng anh vẫn chứa đựng những khắc khoải về tình thương với những con thú mà anh đã gắn bó với chúng gần 30 năm trên sân khấu tròn.

5/2017

Phản hồi thông tin về biểu diễn động vật hoang dã, lãnh đạo Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết, hiện tất cả động vật hoang dã nuôi và biểu diễn tại đây đều có nguồn gốc, có gắn chíp quản lý của các cơ quan chức năng và được chăm sóc tốt. Việc diễn xiếc chỉ diễn ra trong hai ngày cuối tuần và mỗi chương trình chỉ diễn ra trong 20 phút. Tuy vậy, sau phản ứng của Liên minh châu Á vì động vật các chương trình biểu diễn xiếc thú tại Đầm Sen đã không còn các tiết mục xiếc động vật hoang dã như xiếc voi và xiếc gấu.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.