Hết thời chộp giật

TP - Hướng đi bền vững cho nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, chính là phải đi chính ngạch, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường. Còn nếu không, chuyện đến hẹn lại kêu gọi giải cứu vẫn sẽ lại lặp lại như chưa từng xảy ra.

"Giải cứu nông sản", "hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn"…luôn là cụm từ quen thuộc trên các diễn đàn mỗi khi hàng nông sản Việt ùn ứ tại các cửa khẩu hoặc khi Trung Quốc đóng biên.

Còn nhớ tại cuộc họp hồi đầu năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức nhằm bàn cách giải cứu cả nghìn container hàng nông sản đang ùn ứ ở biên giới vì tác động của dịch COVID-19, nhiều nghịch lý về sản xuất nông sản đã được chỉ ra.

Tại cuộc họp, trước đông đủ đại diện của cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng nông sản, các địa phương và cả các hệ thống siêu thị trong nước, khi "ba mặt một lời", chuyện người nông dân ở nhiều địa phương thích thì làm, bán ra sao hạ hồi phân giải cũng đã được chỉ rõ.

Việc không ít người sản xuất chê bán nông sản tại chính thị trường trong nước cũng được điểm đích danh. Lãnh đạo nhiều hệ thống siêu thị lớn khi tham gia giải cứu nông sản tiết lộ: Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, ngay lập tức, các siêu thị, cửa hàng “xắn tay” giải cứu nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, nông dân không mặn mà bán bởi chê giá bán trong nước thấp. Nhưng quan trọng nhất, điều mà người nông dân không nhận ra, hoặc không chịu thừa nhận chính là chất lượng các nông sản đang ế mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo đường “tiểu ngạch”. Chất lượng thấp sao có thể đòi hỏi bán giá cao cho chính người dân trong nước?

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện chiếm tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới.  Thực tế phải thừa nhận, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam trong nhiều năm tới. Lời cảnh báo để giữ được thị trường Trung Quốc, gia tăng giá trị hàng xuất khẩu một cách bền vững, các doanh nghiệp cần phải thay đổi từ tư duy, cách tiếp cận thị trường và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cũng đã liên tục được nhắc đến từ nhiều năm nay.

Một lãnh đạo huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) khi trao đổi với Tiền Phong đã phát cáu khi thừa nhận không thể cải tạo được tư duy chỉ trồng dưa hấu ngắn ngày chỉ vì giống dưa  này có năng suất cao dù vị rất nhạt và vỏ rất dày. “Người nông dân chỉ nhìn vào số lượng quả thu được mà không cần quan tâm nhiều đến những rủi ro và chịu thiệt hại mỗi khi có biến động thị trường và yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng ngày càng tăng lên. Nói từ năm này qua năm khác mà người dân không thay đổi”, vị lãnh đạo nói.

Việc "ăn xổi" trong đầu tư nông nghiệp không phải là chuyện mới bàn. Thực tế cho thấy, dù xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc nhưng một phần rất lớn hàng nông sản là theo đường biên mậu, đi qua các cửa khẩu phụ ở tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai. Hướng đi bền vững cho nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, chính là phải đi chính ngạch, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường. Còn nếu không, chuyện đến hẹn lại kêu gọi giải cứu vẫn sẽ lại lặp lại như chưa từng xảy ra.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.