Hết thời 'chạy loạn'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hằng năm, bắt đầu từ tháng 1, không chỉ thí sinh mà cơ sở giáo dục đại học (ĐH) cũng loạn lên vì tuyển sinh. Có lãnh đạo ĐH nói vui: phòng tuyển sinh của trường bận quanh năm vì lo tuyển sinh.

Không bận, không lo sao được khi nhìn trường khác đã công bố đề án, đã dự kiến ngày nhận hồ sơ, ngày xét tuyển. Không bận, không lo sao được khi trường khác “vớt” hết thí sinh thì không đủ chỉ tiêu. Cũng vì “nhìn nhau” tuyển sinh sớm nên hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm như ma trận.

Thí sinh đăng kí đạt được đúng nguyện vọng không khác nào ngồi trong “lò luyện đan”. Không ít phụ huynh khi đọc thông tin tuyển sinh của các trường cho con em phát sốt lên: sao bây giờ tuyển sinh khác thế, hiểu được từng phương án tuyển sinh của mỗi trường đã tẩu hỏa…

Trường xét tuyển 3 phương thức, có trường tới 8 - 9 phương thức. Mỗi trường xét tuyển một mốc thời gian. Thí sinh chỉ ăn và cập nhật thông tin xét tuyển, thời gian đâu mà học để thi tốt nghiệp THPT? Trong mỗi phương thức lại có đối tượng, điều kiện khác nhau. Vì vậy, thí sinh nhầm, quên là bình thường, không sai sót mới lạ.

Năm trước, một phụ huynh vô cùng tiếc nuối khi con quên thời hạn cập nhật chứng chỉ ngoại ngữ mà mất cơ hội trúng tuyển vào trường yêu thích nhất. Khi nhà trường công bố điểm chuẩn, thấy con thừa điểm đỗ nhưng không có tên trong danh sách, phụ huynh và con mới phát hiện quên thời gian cập nhật bản chính chứng chỉ ngoại ngữ. Cơ hội vụt mất trong gang tấc, phụ huynh nhìn con buồn trong bất lực. Năm nào cũng có tình trạng thí sinh quên, nhầm và mất cơ hội trúng tuyển.

Đó mới chỉ là đăng kí xét tuyển. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh còn phải tham gia các kì thi riêng. Ở Việt Nam hiện có tới hơn 10 kì thi riêng do các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức. Các kì thi có yêu cầu, đánh giá năng lực không giống nhau. Thời gian diễn ra kì thi khác nhau và khâu đăng kí cũng rất vất vả do phải chọn thời gian, địa điểm thi phù hợp. Có khi thí sinh phải huy động cả gia đình vào cuộc để kiếm được suất thi đánh giá năng lực đáp ứng yêu cầu. Thật không ngoa khi nói vào mùa tuyển sinh ĐH, phụ huynh, thí sinh đều “chạy loạn”.

Năm nay, Bộ GD&ĐT chính thức chấm dứt tuyển sinh sớm đối với các trường ĐH. Quy định này nhận được sự đồng tình của phụ huynh, thí sinh, các trường THPT và bản thân các trường ĐH. Thí sinh yên tâm học, thi theo thời gian quy định; phụ huynh không phải chạy đôn chạy đáo lo giấy tờ, tìm hiểu, nhớ nhớ quên quên thời gian đăng kí xét tuyển cho con; trường phổ thông không lo học sinh bỏ bê học vì đã trúng tuyển sớm; trường ĐH không đứng ngồi đua nhau xét tuyển.

Giáo dục ĐH có quyền tự chủ. Nhưng nếu quyền đó chỉ phục vụ lợi ích của nhà trường, không đảm bảo công bằng cho thí sinh, gây bức xúc xã hội thì rất cần bị “tuýt còi” và thực hiện tự chủ trong khuôn khổ quy định. Bỏ xét tuyển sớm mang lại hy vọng sẽ loại được những phương thức kém chất lượng, tuyển sinh bằng mọi giá, vơ bèo vạt tép như thời gian qua.

MỚI - NÓNG