Trong 5 bức thư họa mới được ông chủ Apricot tậu về (nghe đâu khoảng 5.000 USD/bức) và mang ra trưng bày, Lê Thiết Cương thích nền xanh lơ, chữ vàng thư. Nền tranh nhìn kỹ chính là một bức vẽ phố Hà Nội, đẹp, chỉ có điều như còn dang dở. Nó giống như một bức phố Phái chưa hoàn chỉnh nhưng tác giả đã ký. Nó như một sự đánh dấu, một sự khẳng định chủ quyền trên con phố thứ 37… Về loạt tranh chơi độc đáo này của Phái, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cắt nghĩa: “Tạo hình chữ ký của ông rất đẹp. Ý tưởng chuyển chữ ký thành tranh rất tự do, bay bổng. Thể hiện tình yêu với thư pháp, với hội họa và với chính bản thân mình”.
Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ Hà Nội đã “mả” đến độ chả mấy ai muốn vẽ thêm nữa. Không phải vì họ không vẽ được phố đẹp mà là không muốn mang tiếng giẫm chân Phái. Hoàng Phượng Vỹ nhận xét: “Nói chung, Phái đã đi đến căn cốt của phố. Thì ai cũng nghĩ sẽ bị Phái bao trùm lên. Nhưng chúng tôi vẫn lướt qua Phái, vẫn tìm ra một địa chỉ, một sổ đỏ phố cổ cho chính tâm hồn mình”.
“Bùi Xuân Phái khoảng mươi năm cuối đời đi vào phố cổ Hà Nội nhưng lại trừu tượng kỷ hà xanh đỏ tím vàng tạo thành cấu trúc phố. Chứng tỏ ngay bản thân ông cũng không bằng lòng đứng yên với cái đã thành danh”.
Lê Thiết Cương
Triển lãm này là câu trả lời của các họa sĩ hậu sinh rằng, họ vẽ phố cũng ra gì của… riêng họ. Nhưng riêng việc tự vẽ tên mình thì không biết bao giờ mới có người “dám” lặp lại. Ngay như họa sĩ Lê Thiết Cương thông kim bác cổ là thế cũng chưa thấy thế giới có ai mang chữ ký của mình ra làm tranh. Phái một lần nữa thành “anh hùng nhất khoảnh”, vẫn khiến hậu sinh phải ồ à.
“Nhìn phố cổ bằng hội họa, Phái là người số một”, Lê Thiết Cương nhận định. “Nhiều người đáng nhẽ định vẽ phố, lại nghĩ ông ấy đã làm hết cửa rồi thì họ lại thôi. Thực ra họ nhầm vì trong nghệ thuật giá vẽ, đề tài chỉ là đề tài, không giải quyết được vấn đề gì”. Triển lãm này là một bằng chứng, ngoài sự trùng hợp về đề tài, chả ai vẽ phố giống Phái, thậm chí họ vẽ còn khác cả chính mình trước đây.
Phố của Lê Thiết Cương.
Trong các triển lãm trong và ngoài nước của Lê Thiết Cương cũng đã xuất hiện nhiều bức vẽ phố, chỉ có điều anh chưa tập hợp thành “phố Cương” mà thôi. Cương cho hay: “Lần này tôi tham gia vì nghĩ ra hình thức mới, gần như bỏ hết nét, chỉ còn những mảng ghi ghi như bóng của phố trên một cái nền nào đấy”. Phố của Cương buồn, phảng phất một thứ ánh sáng nửa đêm về sáng. Tranh thể hiện cảm nhận có phần bi quan về phố cổ Hà Nội hôm nay của anh: “Phố cổ Hà Nội còn gì đâu. Mất hết rồi. Giờ chỉ còn là cái bóng của phố cổ Hà Nội chứ còn là phố nữa đâu”.
Triển lãm này tập hợp độ bốn chục bức tranh mang một tên là Phố của các họa sĩ đều sinh trưởng ở Hà Nội: Nguyễn Đình Dũng, Quách Đông Phương, Hoàng Phượng Vỹ, Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, Đào Hải Phong, Phạm Bình Chương... Có người chỉ góp một bức như Hồng Việt Dũng - người thường vẽ cây. Về bức này, Hoàng Phượng Vỹ nhận xét: “Có cái rì rào, ẩm ướt, mù sương, se se lạnh, hiu quạnh”.
Hoàng Phượng Vỹ vốn thích sự chuyển động, phố của anh vẫn phải kèm người hoặc mèo. Trong đó, người đàn ông quàng khăn uống rượu chính là tự họa trong phố của anh. Anh cảm nhận tinh thần phố trong tranh mình chưa bao giờ mạnh như thế. Sau lần được rủ rê vẽ phố này, anh quyết định sẽ tập trung đi sâu vào phố như một đề tài quan trọng. Anh nói: “Việc tham gia triển lãm cũng cho tôi một niềm vui. Cuộc đời cũng có cú rẽ bất ngờ, đầu tiên không nghĩ mình trau dồi đề tài phố dù yêu phố. Nay trong mình bùng lên một ngọn lửa phố, sẽ đi với nó một thời gian, khi nào cháy đến kiệt trong mình thì thôi”.