Hết ngày 2/11, bão số 7 chưa thể đổ bộ vào đất liền

Hết ngày 2/11, bão số 7 chưa thể đổ bộ vào đất liền
TPO - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bảy, Phó phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm KTTV T.Ư trong cuộc trao đổi với Tiền phong chiều 31/10.
Hết ngày 2/11, bão số 7 chưa thể đổ bộ vào đất liền ảnh 1
Hướng đi của bão Cimaron đến 16h ngày 31/10. Ảnh: TT Khí tượng thủy văn T.Ư

“Phân tích các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau chúng tôi có thể khẳng định trong vòng 24 – 48 giờ tới bão số 7 (bão Cimaron) chưa thể đổ bộ vào đất liền ”- Ông Bảy khẳng định.

Cũng theo vị đại điện của Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư thì cơn bão Cimaron là một cơn bão phức tạp và khó dự đoán hơn dự kiến do bão hiện đang di chuyển với tốc độ rất chậm, từ trưa nay bão di chuyển chậm lại với tốc độ chỉ còn từ 5-10km/h sau khi đổ bộ vào Philippines tối 29/10 .

“Các cơn bão di chuyển chậm thường khó dự báo hơn do có thể có sự chuyển hướng. Đêm 30/10 bão di chuyển theo hướng Tây nhưng từ trưa ngày 31/10, bão đã chuyển và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Một nguyên nhân nữa khiến việc dự báo hướng đi của bão phức tạp là do cơn bão chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống thời tiết khi vào biển Đông.

Cụ thế nếu bão đi theo trường khí tượng trên cao thì sẽ thuận tiện cho việc di chuyển về phía Bắc còn nếu bão di chuyển theo trường khí tượng tầng thấp thì sẽ bão sẽ có thể di chuyển theo hướng Tây Nam. Bên cạnh đó có nhiều nguồn thông tin dự báo trái ngược nhau của các cơ quan khí tượng thủy văn trên toàn cầu nên việc phân tích hướng đi của bão bị phân tán”- Ông Bảy cho biết.

Cũng theo ông Bảy, phạm vi nguy hiểm nhất hiện nay đối với bão số 7 đó là khu vực Bắc biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan. 

Ông Bảy cũng thừa nhận hiện Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác về việc khi nào cơn bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền, phạm vi và cường độ ảnh hưởng của bão ra sao.

“Ảnh hưởng của bão số 7 đối với đất liền như thế nào cho đến nay vẫn là câu hỏi lớn. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định trong vòng 24 đến 48 giờ tới (đến hết ngày 2/11) bão số 7 vẫn chưa thể đổ bộ vào đất liền như các bản tin dự báo trước đây của một số cơ quan dự báo khí tượng thủy văn nước ngoài. Thậm chí trong vòng 72 giờ tới cũng ít có khả năng bão số 7 vào tới đất liền nếu như tốc độ di chuyển của bão vẫn duy trì như hiện nay.

Một điều chắc chắn mà chúng tôi có thể khẳng định là trong vòng 48 giờ tới hoàn lưu xa của bão ở ven biển Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ sẽ làm gió to lên nhưng không gây ra mưa lớn”- Ông Bảy nhấn mạnh.

Cũng theo dự báo của ông Bảy thì trong vòng 48 giờ tới thì cường độ của bão chưa thể mạnh lên nhiều như những dự báo trước đây và sẽ chỉ dao động xung quanh cấp 13.

* Theo thông tin mới nhất của Trung tâm KTTV T.Ư, đến 16 giờ chiều nay, 31/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 116,8 độ kinh đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 685 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150 đến 166 km một giờ), giật trên cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 đến 10 km. Đến 16 giờ chiều ngày 1/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ vĩ bắc; 114,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 480km về phía đông đông nam.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng tây mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 16 giờ chiều ngày 2/11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 270km về phía đông đông nam.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan) có gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ngày 2/11 có gió bão mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8; Biển động rất mạnh. Ngoài ra, trên vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa có mưa rào và dông rải rác và có gió mạnh cấp 6, cấp 7; trong cơn dông có gió giật mạnh và có khả năng xảy ra tố lốc.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.