Theo báo Anh, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đang lên kế hoạch khoan một "đường hầm" sâu 1,2km vào lớp đá nóng chảy của núi lửa Krafla ở đông bắc Iceland. Nó được ví von là "đường hầm xuống địa ngục".
Các nhà nghiên cứu làm việc này không để tìm kiếm kho báu cổ xưa mà chỉ hy vọng xây dựng "Trung tâm quan sát magma (đá nóng chảy vốn nằm sâu bên trong lớp vỏ Trái đất) đầu tiên trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, dự án này có thể giúp họ lần đầu tiên có thể quan sát đá nóng chảy ở nhiệt độ 1.300 độ C sâu dưới lòng đất.
Iceland có nhiều núi lửa đến mức về cơ bản vùng đất này được xem là một ngọn núi lửa khổng lồ. |
Nhóm nghiên cứu tin rằng, thông qua dự án này, họ có thể tìm thấy một nguồn năng lượng mới và thậm chí phát triển một hệ thống cảnh báo sớm về các vụ phun trào núi lửa trên khắp thế giới. Dự án mang tên Krafla Magma Testbed trị giá 100 triệu USD dự kiến sẽ bắt đầu khoan vào năm 2024.
Nhưng các nhà khoa học mới đây đã lên tiếng cảnh báo dự án táo bạo này vì cho rằng, việc khoan sâu vào lòng núi lửa đang hoạt động có nguy cơ gây ra một vụ phun trào khủng khiếp. Theo họ, một chút sai sót trong quá trình khoan có thể vô tình kích hoạt một vụ phun trào khủng khiếp.
Cảnh tượng tại núi lửa Krafla khi công ty điện vô tình khoan vào magma vào năm 2009. |
Đáp lại, John Eichelberger, một trong những người sáng lập dự án cho biết nguy cơ xảy ra một vụ phun trào mới là điều "ai cũng sẽ lo lắng".
Ông Eichelberger: "Có tổng cộng hàng chục lỗ thủng đã va vào magma ở ba nơi khác nhau (trên thế giới) và không có gì tồi tệ xảy ra".
Chẳng hạn, năm 2009, một công ty năng lượng đã vô tình khoan vào một biển magma nông. Mặc dù mũi khoan bị hư hỏng nhưng không có vụ phun trào nào xảy ra và không ai bị thương.
“Chúng tôi chưa bao giờ quan sát thấy magma dưới lòng đất, ngoài những lần chạm trán tình cờ khi khoan tại các núi lửa ở Hawaii, Kenya và Krafla", ông Paolo Papale, một nhà núi lửa học người Ý cho biết.
Còn Vordis Eiriksdottir, người đứng đầu hoạt động địa nhiệt tại một công ty điện lực, hy vọng dự án sẽ có thể sử dụng các "công nghệ mới để có thể khoan sâu hơn và có thể khai thác được những nguồn năng lượng mà trước đây chúng ta phải bó tay".
Magma tạo ra một lượng lớn hơi nóng thoát khỏi núi lửa ở nhiệt độ 450 độ C. Nó có thể tạo ra năng lượng gấp 5 đến 10 lần so với một nhà máy địa nhiệt bình thường.