> Tên một thuyền trưởng ở Trường Sa
Đó là một phần nội dung bức thư của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết cho chiến sĩ tàu không số Lưu Công Hào.
Chuyến đi không quên
Ông Lưu Công Hào (trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng), nhớ lại chuyến đi đầu tiên trên chuyến tàu không số vào Nam hơn 40 năm trước: Đêm 27-2-1968, từ bến K20 con tàu C43 cùng với 3 tàu không số khác đồng loạt xuất bến.
Tàu 43 vừa qua quần đảo Hoàng Sa thì bị 3 tàu chiến và 1 máy bay địch bám theo. Chi bộ nhận định, tàu 43 đã bị lộ. Nhận chỉ thị từ cấp trên “Không được tránh vào vùng biển phía Nam, cần phải hút địch về phía mình để tạo điều kiện cho các tàu khác an toàn”, tàu 43 quyết định quay mũi hướng vào vùng biển Quảng Ngãi.
12 giờ đêm, khi tàu 43 cách bờ khoảng 5 hải lý, bất ngờ 3 máy bay địch vụt qua thả pháo sáng rực cả một vùng biển. Tàu 43 lộ rõ như ban ngày. Ngoài khơi, 4 tàu chiến địch ầm ầm kéo vào nã đạn, bao vây hòng bắt sống tàu 43. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hạ lệnh nổ súng chiến đấu. Máy bay địch vãi đạn xuống tàu 43 như mưa.
Tàu 43 có 3 chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương. Khi đang cố chạy vào bờ, tàu mắc vào doi cát, khựng lại. Thuyền trưởng hạ lệnh cho các chiến sĩ rời tàu để kích nổ tàu cùng toàn bộ vũ khí. Lúc đó, trên tàu anh Ruệ đang bị thương nặng, ngã xuống cabin nhưng vẫn cố ghì chặt bánh lái rồi trút hơi thở cuối cùng.
Anh Võ Nho Tòng, y tá kiêm pháo thủ số 2, trúng đạn nhưng vẫn cố ôm quả đạn pháo tiếp cho đồng đội trước khi hy sinh. Một tấn thuốc nổ TNT được hẹn 30 phút. Các chiến sĩ vừa kịp bơi vào bờ thì một tiếng nổ vang trời, cột nước dâng cao mấy chục mét.
Kỷ niệm với bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Các chiến sĩ được đồng bào thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp, tỉnh Quảng Ngãi che chở, cưu mang dưới hầm bí mật. Sau 10 ngày ở thôn Quy Thiện, các anh được chuyển tới bệnh xá để chữa trị vết thương.
Phải mất 3 lần vận chuyển, nhân dân và du kích Quy Thiện mới đưa các chiến sĩ tàu 43 tới bệnh xá Đức Phổ. Tại đây, 11 chiến sĩ, trong đó có ông Hào, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm trực tiếp chữa trị. Ông Hào nhớ lại: “Chị Trâm nói tiếng miền Bắc rất thân thương, mới nghe mà tôi như đã cảm thấy quen thân chị từ lâu. Chị luôn lạc quan động viên, chăm sóc chúng tôi tận tình. Nhờ sự chu đáo của chị mà vết thương của chúng tôi nhanh lành hẳn.
Riêng tôi do là người miền Bắc nên chị em rất quý mến nhau. Những lúc rảnh rỗi, chị và tôi thường kể cho nhau những kỷ niệm về miền Bắc. Thế rồi, nhiều lúc nhìn chị đứng chữa bệnh hàng giờ đồng hồ, tôi cùng anh Hóa (người Quảng Bình) vào rừng chặt gỗ làm ghế để chị có thể ngồi mỗi khi chữa trị vết thương cho thương binh để đỡ mỏi chân”.
Ngày 28-3-1968, chị viết lưu niệm vào sổ của ông Hào với lời hẹn sẽ về Đồ Sơn quê ông: “Mong ước một ngày không xa nữa chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát và...một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn, chị lại được gặp em, được nắm tay em (cánh tay đau đã làm em mất ngủ mấy đêm ở trạm này, lúc ấy đã lành từ lâu rồi em nhỉ?)”. Chị còn giới thiệu em gái Phương Trâm cùng địa chỉ của gia đình mình để ông Hào tới gặp.
Sau hơn một tháng chữa lành vết thương, ngày 10-4-1968, các chiến sĩ bịn rịn chia tay bác sĩ Đặng Thùy Trâm để lên đường ra Bắc. Sau này, không cần nhìn sách, ông Hào vẫn nhớ như in những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết ngày 10-4-1968:
“Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương... bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và mình khóc ròng đến nỗi không đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”. Nhớ những kỷ niệm ngày nào, ông Hào nghẹn ngào trào nước mắt nhìn bức ảnh mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm tặng vào buổi chia tay.
Giờ ở tuổi 65, nơi vị trí trang trọng nhất trong căn phòng nhỏ trên gác hai của gia đình, ông Hào vẫn lưu giữ những bức ảnh về các chiến sĩ tàu không số năm xưa cùng những dòng lưu niệm và tấm hình của Đặng Thùy Trâm.