Kiểm soát rủi ro như việc áp dụng nguyên tắc “bốn tay, bốn mắt”
Theo KBNN, việc gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 (từ 1/1/2020 đến 31/12/2020) sẽ thực hiện gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại theo phương thức bán điện tử, trong đó, thực hiện điện tử một số bước gồm: thông báo kết quả lựa chọn ngân hàng thương mại dự kiến gửi tiền có kỳ hạn; thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn của KBNN; thông báo kết quả lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi tiền có kỳ hạn (bằng các văn bản này được ký số và gửi qua thư điện tử).
Các bước còn lại thực hiện theo phương thức thủ công gồm: gửi, nhận bản chào nhận tiền gửi (trong phong bì được niêm phong), mở bản chào nhận tiền gửi (do Hội đồng mở bản chào nhận tiền gửi thành lập theo quyết định của Tổng Giám đốc KBNN thực hiện).
Giai đoạn 2 (từ 1/1/2021) sẽ thực hiện gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử qua Hệ thống quản lý ngân quỹ.
Theo KBNN, Hệ thống quản lý ngân quỹ giúp hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại của KBNN được bảo mật, khách quan, công khai và minh bạch; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm thời gian thực hiện do hạn chế tối đa sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện đánh giá, lựa chọn ngân hàng thương mại.
“Hệ thống quản lý ngân quỹ sẽ tự động thực hiện việc tính toán, chấm điểm đánh giá, kết xuất danh sách các ngân hàng thương mại dự kiến gửi tiền có kỳ hạn (trên cơ sở dữ liệu các tiêu chí đánh giá của từng ngân hàng thương mại được nhập vào Hệ thống). Đồng thời, tự động xác định kết quả lựa chọn ngân hàng thương mại để gửi tiền có kỳ hạn (gồm khối lượng, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn tại từng ngân hàng thương mại, trên cơ sở các bản chào nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại, lãi suất gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tối thiểu cho từng kỳ hạn)”, KBNN phân tích.
Đặc biệt, tính bảo mật được đảm bảo trong suốt quá trình chào, nhận bản chào, mở bản chào do Hệ thống quản lý ngân quỹ được thiết kế, xây dựng để không thể có bất cứ sự can thiệp của con người (kể cả chuyên gia công nghệ thông tin) vào việc mã hóa bản chào, hay xem được bản chào trước giờ mở.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại qua Hệ thống quản lý ngân quỹ cũng giúp KBNN quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ KBNN kiểm soát rủi ro như áp dụng nguyên tắc “bốn tay, bốn mắt” đối với tất cả các thao tác trên Hệ thống (một người nhập thông tin, ít nhất một người kiểm soát hoặc phê duyệt thông tin); tách bạch rõ người thiết lập các hạn mức và người thực hiện giao dịch trên hệ thống để ngăn chặn các giao dịch vượt hạn mức đã được phê duyệt; chức năng quản lý thanh toán, báo cáo nhằm theo dõi, quản lý nguồn tiền ra, vào từ hoạt động gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình, thủ tục gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, đặc biệt là việc KBNN triển khai ký Phụ lục Hợp đồng gửi tiền điện tử với các ngân hàng thương mại, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN vừa giảm thiểu các thao tác thủ công, vừa tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.
Đảm bảo sân chơi công bằng cho ngân hàng thương mại
Hệ thống quản lý ngân quỹ của KBNN không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý như KBNN mà còn có nhiều ý nghĩa đối với phía ngân hàng thương mại. Theo KBNN, một lợi ích đáng kể mà Hệ thống quản lý ngân quỹ mang lại là việc tạo ra “sân chơi” bình đẳng, minh bạch cho các ngân hàng thương mại khi mà tất cả các ngân hàng thương mại được đánh giá, lựa chọn vào danh sách dự kiến gửi tiền có kỳ hạn của KBNN đều được tham gia vào Hệ thống với vai trò như nhau. Tất cả các bản chào nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại được ký duyệt bằng chữ ký số và được mã hóa đảm bảo an toàn, bảo mật.
Thời gian nhận bản chào được thiết lập sẵn trên Hệ thống và được quản lý bằng tham số, cho phép Hệ thống tự động từ chối nhận các bản chào được gửi sau thời gian quy định (sau 14 giờ 00 ngày đến hạn nhận bàn chào nhận tiền gửi), đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong khâu nhận bản chào từ các ngân hàng thương mại.
Hơn nữa, việc triển khai và tham gia Hệ thống quản lý ngân quỹ của các ngân hàng thương mại rất nhanh chóng, thuận tiện do Hệ thống quản lý ngân quỹ không đòi hỏi cao về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, ngân hàng thương mại chỉ cần có máy tính kết nối internet, có chứng thư số của người đại diện và chứng thư số của ngân hàng thương mại (để thực hiện việc ký số văn bản điện tử) và đăng ký cấp tài khoản người sử dụng thành công với KBNN.
KBNN cho biết, Hệ thống quản lý ngân quỹ cũng cung cấp các tiện ích cho người sử dụng của ngân hàng thương mại như gửi email thông báo đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng, hiển thị các thông báo “nhắc việc” ngay trên trang chủ của Hệ thống. Theo đó, khi có bất cứ thông báo nào của KBNN được gửi lên Hệ thống, Hệ thống sẽ tự động gửi email thông báo cho người sử dụng của ngân hàng thương mại để thực hiện đăng nhập vào Hệ thống xem chi tiết nội dung mà không cần phải thường xuyên đăng nhập Hệ thống để kiểm tra thông báo của KBNN.
Đồng thời, chỉ cần nhấp chuột vào các thông báo trên trang chủ sẽ chỉ dẫn người sử dụng đến màn hình thực hiện thao tác cụ thể.
Cuối cùng, một lợi ích cũng cần phải kể đến đó là Hệ thống quản lý ngân quỹ giúp ngân hàng thương mại thực hiện chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy nhất là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 như hiện nay.