Hệ thống ĐH nghiên cứu Việt Nam: Phải chuyển mình nếu không muốn bị bỏ lại

PGS Lê Bảo Long (Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada) đưa ra góc nhìn chuyện xếp hạng đại học, khi vẫn có nhiều tranh luận trái chiều và cả các lo lắng về các ảnh hưởng có thể tiêu cực của nó sau khi bảng xếp hạng 49 ĐH Việt Nam xuất hiện.

Sinh viên có nên theo học trường ĐH bị xếp hạng thấp?

Ngay khi bảng xếp hạng 49 ĐH Việt Nam do một nhóm nghiên cứu độc lập công bố đã có các lo lắng cho rằng các trường đơn ngành và có tiếng trong nước nhưng bị xếp hạng không cao, có thể gặp bất lợi trong tuyển sinh trong tương lai.

Trước hết cần phải nói ngay, xếp hạng ĐH (kể cả bởi các tổ chức quốc tế như QS, THE) nhằm vào đối tượng chính là các ĐH nghiên cứu vì các chỉ số về nghiên cứu khoa học như số công bố quốc tế, số lần trích dẫn chiếm các trọng số rất lớn trong kết quả cuối cùng (THE dành đến 30% cho các chỉ số liên quan nghiên cứu và 30% dành cho trích dẫn). Vì thế, các trường ĐH thiên vể giảng dạy nhưng ít nghiên cứu chắc chắn sẽ không có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng này.

Câu hỏi nhiều người có thể đặt ra: Liệu sinh viên có nên theo học tại các trường ĐH được xếp hạng thấp hay thậm chí không được xếp hạng? Câu trả lời có thể là Có hoặc Không tùy theo mục tiêu của việc học ĐH và các xem xét khác của từng SV như điều kiện kinh tế, mức học phí, lựa chọn nghề nghiệp tương lai, uy tín và chất lượng đào tại của trường ĐH trong phân ngành muốn theo đuổi…

Ngay tại bang California của Mỹ, nơi có các trường ĐH rất mạnh và nổi tiếng như hệ thống ĐH California (dẫn đầu là ĐH California Berkeley), Caltech, Stanford, USC vẫn tồn tại hệ thống ĐH Bang California (California State University) thu hút khá nhiều sinh viên theo học.

Các ĐH bang này tập trung nhiều vào việc đào tạo gắn liền với các kỹ năng thực tế cho sinh viên (như thực tập nhiều tại các phòng lab ngoài việc học lý thuyết,…). Đặc biệt, sinh viên trong các gia đình có thu nhập thấp tại California được hỗ trợ nhiều khi học tại các ĐH Bang California nên chúng là các lựa chọn khá ổn cho nhiều sinh viên.

Câu chuyện có thể cũng tương tự cho Việt Nam. Một số ĐH công và dân lập chuyên về giảng dạy trong nước có vẻ đã xây dựng được điều kiện vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình học,… tương đối tốt trong thời gian qua nên chúng cũng là các lựa chọn không tệ, thậm chí tốt cho sinh viên (tất nhiên tùy mục tiêu và điều kiện của người học như đã nói).

Nói một cách khác, một số trường, có thể không có các điều kiện thuận lợi để tập trung và có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học (nên tất nhiên sẽ không được xếp hạng cao) nhưng chúng vẫn có thể là lựa chọn tốt để theo học ĐH.

Hệ thống ĐH nghiên cứu Việt Nam: Phải chuyển mình nếu không muốn bị bỏ lại ảnh 1

PGS Lê Bảo Long (Viện Khoa học quốc gia - ĐH Quebec, Canada) – tác giả bài viết.

Gắn nghiên cứu khoa học với hợp tác quốc tế

Quay lại vấn đề tác động của việc xếp hạng đại học, có thể kể ra vài ảnh hưởng quan trọng của nó và các đề xuất cho việc hoạch định của các ĐH định hướng nghiên cứu:

Các trường ĐH nghiên cứu lớn của Việt Nam có thể dùng các tiêu chí xếp hạng ĐH phổ quát để phấn đấu và xây dựng thương hiệu quốc tế, đặt mục tiêu vào top 1000 của các bảng xếp hạng ĐH quốc tế trong tương lai gần.

Mục tiêu dài hạn của việc vào top xếp hạng ĐH quốc tế nhằm không chỉ tăng uy tín thương hiệu mà còn giúp thực hiện các kế hoạch quốc tế hóa lớn hơn như thu hút các giảng viên, giáo sư, sinh viên ĐH và sau ĐH giỏi người nước ngoài đến Việt Nam làm việc và học tập trong tương lai khi đã có thương hiệu và sự chuẩn bị đủ tốt.

Một số ĐH trong vùng như tại Singapore, Hồng Kông đã phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn nhờ thu hút được lực lượng giáo sư và sinh viên giỏi từ nước ngoài.

Tất nhiên, ngoài câu chuyện họ có tiềm lực tài chính, còn là vấn đề tầm nhìn dài hạn, ở tầm vóc toàn cầu và có thể cả lợi thế sử dụng tiếng Anh tại các quốc gia này.

Các ĐH tại các quốc gia châu Á khác như tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã đầu tư rất mạnh để thu hút sinh viên quốc tế qua việc cấp học bổng và mở các chương trình học bằng tiếng Anh.

Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo sau ĐH ở mức thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ. Một đặc điểm của các ĐH nghiên cứu mạnh là các chương trình sau ĐH làm rất tốt và nghiêm túc, có số sinh viên theo học ngang ngửa hay thậm chí lớn hơn cả số sinh viên của bậc ĐH.

Theo thông tin từ Wiki, một ĐH nhỏ của Mỹ nhưng luôn trong top thế giới là Caltech trong 2016 có gần 1000 SV ĐH nhưng có hơn 1200 sinh viên sau ĐH hay ĐH Thanh Hoa của Trung Quốc có hơn 15000 sinh viên ĐH nhưng có đến hơn 19000 sinh viên sau ĐH.

Tất nhiên, các ĐH này ngoài việc có quy mô đào tạo sau ĐH lớn, quan trọng là họ có chất lượng đào tạo tốt. Sinh viên sau ĐH là lực lượng nghiên cứu chính, là tác giả (cùng với GS hướng dẫn của họ) của hầu hết các công trình khoa học mang tên trường, vốn là một yếu tố then chốt giúp các ĐH này có thứ hạng cao trên tất các bảng xếp hạng ĐH.

Gắn nghiên cứu khoa học với hợp tác quốc tế, thu hút GS và học giả quốc tế tới làm việc, thu hút quỹ khoa học từ nhà nước, hợp tác và chuyển giao công nghệ với giới công nghiệp. Làm tốt các mặt này sẽ tạo ra nhiều kết quả tốt về khoa học, thu hút chất xám và giúp thu nhập từ NCKH đóng góp đáng kể vào thu nhập tổng thể của trường.

Các ĐH ở phương Tây đều có chính sách trích một phẩn khá lớn (trên 20%) từ các quỹ nghiên cứu của các Phòng thí nghiệm và GS của họ, là các khoản đóng góp đáng kể trong toàn bộ thu nhập tại các ĐH lớn.

Chính sách này tạo động lực cho họ đầu tư mạnh vào NCKH và bớt phụ thuộc quá nhiều vào học phí từ SV, vốn có thể là vấn đề đang gặp phải của hệ thống ĐH tại Việt Nam.

Suy cho cùng, để thực hiện thành công các đề xuất trên, yếu tố con người mà cụ thể là đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, giáo sư và đội ngũ quản trị đại học đóng vai trò quan trọng nhất.

Một đại học nghiên cứu chỉ có thể có chỗ đứng cao trên các bảng xếp hạng uy tín khi họ có chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc đạt đẳng cấp quốc tế để thu hút và giữ chân người tài.

Hệ thống ĐH nghiên cứu Việt Nam chắc cũng sẽ không là ngoại lệ, nếu chúng ta muốn tiến nhanh trên con đường phát triển, hội nhập quốc tế và không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghệ đang bùng bổ ở phạm vi toàn cầu.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
Thành phố khởi nguồn hạnh phúc - bài cuối: Bắt 'trend' khuấy động du lịch
TP - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu từng đánh giá Đà Nẵng là địa phương điển hình của đổi mới sáng tạo, luôn tìm cách để du khách trải nghiệm, thụ hưởng cảnh quan, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội nhiều nhất. Thành phố bước vào mùa mưa lạnh cuối năm với thời tiết nhiều bất lợi nhưng vẫn không “ngủ vùi trong chăn” mà liên tục tung ra sản phẩm, thổi luồng khí ấm cho du lịch Đà Nẵng.