Hệ tại chức - đứa con bị từ chối: Thực tế hiển nhiên

Hệ tại chức - đứa con bị từ chối: Thực tế hiển nhiên
Trong hai ngày 15 và 16-8, Báo chí đã nhận được hàng trăm ý kiến trái chiều bày tỏ quan điểm trước thực tế rất nhiều địa phương từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức. Trong đó,  không ít ý kiến đề nghị xem xét lại hệ đào tạo này.

Hệ tại chức - đứa con bị từ chối: Thực tế hiển nhiên

> Hệ tại chức: đứa con bị từ chối

Trong hai ngày 15 và 16-8, Báo chí đã nhận được hàng trăm ý kiến trái chiều bày tỏ quan điểm trước thực tế rất nhiều địa phương từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức. Trong đó,  không ít ý kiến đề nghị xem xét lại hệ đào tạo này.

Các ứng viên trả lời câu hỏi tại buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên năm 2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2-8-2012. Ảnh: Như Hùng.
Các ứng viên trả lời câu hỏi tại buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên năm 2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2-8-2012. Ảnh: Như Hùng.

“Phản ứng của xã hội trong việc từ chối bằng ĐH tại chức có nhiều điều đáng suy nghĩ. Trước hết, nó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy xã hội bắt đầu quan tâm tới chất lượng hơn là chỉ đơn thuần dựa vào tấm bằng. Phản ứng của xã hội đối với chất lượng đào tạo của hệ tại chức giống như cơn sốt báo cho ta biết cơ thể đang có vấn đề” - TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ.

Cắt giảm tiết học

 Điều kiện, thời gian học hạn chế. Đầu vào thấp hơn và đầu ra dễ dãi hơn. Các khoa xây dựng chương trình đào tạo, ra đề thi, chấm thi cũng dễ hơn so với chính quy. Khi đào tạo, đánh giá giảng viên cũng cân nhắc đối tượng người học tại chức lúc nào cũng dễ dãi hơn so với chính quy 

PGS.TS Ngô Minh Oanh
(viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM)

Ngay cả những người trong cuộc cũng nhận thấy hệ tại chức rất có vấn đề. Trao đổi với chúng tôi, giảng viên các trường ĐH lớn như Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM... cho rằng chương trình đào tạo tại chức được xây dựng tương đương như chính quy. Tuy nhiên, những giảng viên này thừa nhận điểm khác biệt nằm ở hình thức tổ chức lớp, đặc thù người học.

N.T.L. - sinh viên năm 3 lớp ĐH luật vừa làm vừa học do một trường ĐH khu vực Tây nguyên mở tại TP.HCM - cho biết có một số môn giảng viên cắt bớt số tiết học chỉ còn 1/3.

Đối với các môn do giảng viên của trường đưa xuống, lớp phải học liên tục các buổi chiều trong tuần, thứ bảy, chủ nhật học cả ngày cho hoàn thành môn học. Việc thi cử khi nào sinh viên quay tài liệu quá lộ liễu sẽ bị bắt và trừ điểm, nếu kín đáo giám thị vẫn cho qua.

Trong khi đó, T.T.K.T. - sinh viên năm 2 ngành tài chính ngân hàng liên kết giữa ĐH Cần Thơ và Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ - cho biết số tiết học bị giảng viên cắt bớt khá nhiều. Một số môn học phải học trong tám buổi nhưng giảng viên chỉ dạy năm buổi. Một số môn học lịch học bị đổi.

Các môn học đều có thi giữa kỳ cũng như cuối kỳ. Đề thi cuối học kỳ do giảng viên ra. Do giảng viên chủ yếu của Trường ĐH Cần Thơ nên lịch học cũng khá thoải mái. Các lớp liên kết với các trường ĐH tại TP.HCM, giảng viên xuống sẽ dạy liên tục nhiều buổi cho xong môn học mới chuyển qua môn học khác”.

Cán bộ quản lý một đơn vị liên kết tổ chức lớp tại chức tại TP.HCM của Trường ĐH Vinh cho biết bên cạnh giảng viên từ cơ sở chính vào, Trường ĐH Vinh cũng mời một số giảng viên tại TP.HCM tham gia giảng dạy. Đối với các môn do giảng viên từ Vinh vào, các lớp được tổ chức học liên tục trong nhiều ngày và buổi tối, xong môn học giảng viên lại sang dạy ở lớp khác.

Dễ dãi lấy bằng

TS H. - giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hiện ông tham gia giảng dạy nhiều lớp ĐH tại chức và từ xa cho nhiều trường ĐH tại TP.HCM. Ông cho biết đối với các lớp tại chức, việc dạy và học có phần “lớt phớt” hơn so với chính quy.

“Do đặc thù mọi người đã đi làm nên quy định 17h30 vào lớp, 21h30 ra nhưng 18h người học mới vào lớp, 20h30 đã đòi về vì ai cũng mệt mỏi. Đề thi cuối kỳ tại chức cũng có phần dễ hơn. Mặc dù các trường không nói trực tiếp với giảng viên nhưng giảng viên ngầm hiểu rằng không nên quá gắt gao khi đánh giá sinh viên”.

Ông này cho biết có lần ông đánh rớt quá nhiều, trường không nói gì nhưng lần sau không mời nữa. Tuy nhiên, ông H. cho biết sinh viên tại chức có kinh nghiệm thực tế nên tiếp thu bài nhanh hơn, nhưng nếu đòi hỏi khắt khe như chính quy thì không mấy người có thể qua được.

Từ thực tế này, việc nhiều sở GD-ĐT từ chối tuyển dụng người học tại chức được cán bộ quản lý, giảng viên nhiều trường ĐH nhìn nhận đó là thực tế hiển nhiên khi so sánh về mặt chất lượng. Nhiều người thẳng thắn khẳng định chất lượng tại chức vẫn còn thua xa chính quy.

PGS Hoàng Dũng - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng do đặc thù tổ chức lớp nên thường giảng viên về các địa phương sẽ dạy liên tục nhiều tiết hoặc nhiều ngày cho xong một môn học.

Thư viện không có, thời gian học liên tục nên sinh viên tại chức không có điều kiện tham khảo thêm giáo trình hay nghiên cứu tài liệu ở thư viện mà chỉ học chay những gì giảng viên truyền đạt. Như thế làm sao hiệu quả tốt được. Cũng có một số người học tại chức nhưng học rất tốt.

Tuy vậy, đa số người học tại chức có sức học kém. Học kém nhưng vẫn tốt nghiệp - đây là điều đáng bàn. Nếu đánh rớt quá nhiều, giảng viên cũng bị áp lực, cả với người học và đơn vị quản lý mình.

Hơn nữa, nếu rớt quá nhiều thì người học sẽ nản và sẽ rất ít người dám đi học. Nói thật, nếu ra đề và chấm thi như chính quy sẽ không có nhiều người học tại chức có thể qua được.

Từng nhiều năm tham gia tổ chức đào tạo tại chức, ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - khẳng định chất lượng đào tạo vừa làm vừa học hiện nay là không bằng chính quy. Hiện trường không đào tạo tại chức giáo viên TPHT, THCS và tiểu học để đảm bảo chất lượng. Riêng giáo viên mầm non, do nhu cầu xã hội còn nhiều nên trường tổ chức bậc trung cấp và CĐ vừa làm vừa học.

Mặc dù chương trình đào tạo được xây dựng theo chính quy, tổ chức quản lý chặt chẽ nhưng chất lượng thật sự không bằng chính quy do đầu vào thấp, phương thức tổ chức lớp còn nhiều hạn chế so với chính quy. Xã hội hiện nay không tin vào chất lượng đào tạo tại chức bởi có không ít cơ sở đào tạo không nghiêm túc, chưa thực hiện đúng chương trình, quản lý lỏng lẻo dẫn đến chất lượng sản phẩm đầu ra không cao.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG