Theo báo cáo mới nhất của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hiện nay có rất nhiều hộ gia đình ở nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tương ứng với đó có khoảng 2 triệu người sử dụng nhà vệ sinh chưa đảm bảo và phóng uế ra môi trường. Tình trạng này diễn ra nhiều ở vùng nông thôn khi người dân chưa nhận thức được nguy hiểm của việc phóng uế bừa bãi.
Ngoài ra, nhiều trường học, cơ quan, bệnh viện, bến xe,… tồn tại nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người.
Do đâu dẫn đến phóng uế bừa bãi?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng sử dụng nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn và phóng uế bừa bãi. Đó là điều kiện kinh tế với gia đình ở nông thôn còn khó khăn. Ý thức vệ sinh cá nhân và hiểu biết về những hiểm họa do phóng uế bừa bãi ở một số người dân còn thấp. Công tác quản lý, giám sát hoạt động ở các nhà vệ sinh công cộng còn nhiều bất cập. Việc tuyên truyền, hỗ trợ của lãnh đạo, tổ chức đến với người dân về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đạt hiệu quả cao.
Phóng uế bừa bãi hay sử dụng nhà tiêu không hợp lý tiềm ẩn những hiểm hỏa khó lường với các căn bệnh nguy hiểm nhất là đối với trẻ em. Đây chính là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc các căn bệnh liên quan đến tiêu chảy, tả, lỵ, tay chân miệng,…Những vi khuẩn gây bệnh có trong phân người ảnh hưởng đến môi trường sống và trực tiếp gây bệnh cho con người.
Chia sẻ về nguyên nhân tình trạng sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo còn tồn tại nhiều hộ gia đình ở nông thôn, bà Nguyễn Thị Hạnh (Hải Hậu, Nam Định) cho biết: “Mặc dù biết ảnh hưởng đến môi trường, nhưng do điều kiện kinh tế của nhà tôi không có nhiều nên gia đình tôi vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh không đúng tiêu chuẩn. Khi nào khá hơn tôi sẽ xây dựng nhà vệ sinh mới để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe”.
Chấm dứt thực trạng phóng uế bừa bãi
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, vệ sinh môi trường sống không đảm bảo khiến chi phí khám chữa bệnh tăng lên và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trẻ em suy dinh dưỡng với tỷ lệ cao một phần cũng do ảnh hưởng từ vệ sinh môi trường kém.
Để chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi, sử dung nhà vệ sinh không đảm bảo, cục quản lý môi trường Bộ Y tế (VIHEMA) và Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhiều kế hoạch. Theo đó, các mô hình nhà tiêu chi phí thấp sẽ được triển khai xây dựng trên nhiều địa bàn.
Triển khai xây dựng bộ chỉ số liên quan đến chất lượng nước và vệ sinh ở nhiều địa phương, công cộng. Vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi. Đó là những giải pháp được VIHEMA đưa ra để đảm bảo môi trường sống của con người, nhất là ở vùng nông thôn.
Bên cạnh đó cần phải thay đổi quan niệm riêng về vệ sinh của nhiều người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Cục quản lý môi trường đã phối hợp với nhiều đơn vị trường học, cơ quan, bệnh viện,… để những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường đạt hiệu quả.
Các giải pháp cải thiện vệ sinh được thực hiện phù hợp với từng nhóm người và vùng miền với mục tiêu chấm dứt phóng uế bừa bãi và 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đây là những biện pháp để hướng tới một xã hội văn minh và ngăn chặn nguy cơ lây lan nhiều căn bệnh nguy hiểm.