Hệ lụy hoãn tăng lương

Hệ lụy hoãn tăng lương
TP - Cả tuần qua, thông tin hoãn tăng lương theo lộ trình năm 2013 mà Bộ trưởng Tài chính đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khiến những người đang làm công ăn lương từ ngân sách lo lắng.

> Để tăng lương cần 60-65 nghìn tỷ đồng

Bởi tính ra, kể từ thời điểm tăng lương cơ bản lên 1,05 triệu đồng hồi tháng 5-2012, nếu hết năm 2013 không tăng lương, thì bản chất tiền lương của họ bị giảm.

Vì lạm phát mỗi năm ít cũng 10%, sẽ khiến cuộc sống của người dân đã khó, lại càng thêm khổ.

Nhưng nếu thực hiện tăng lương theo lộ trình, từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Nguồn ngân sách cần để chi tăng lương trong năm 2013 khoảng 60-65 nghìn tỷ đồng.

Trong khi nguồn thu giảm, do kinh tế khó khăn, thì việc tìm nguồn tăng thu quả là khó. Nhưng không phải không thể thực hiện. Có lẽ hiếm có quốc gia nào lại có số người hưởng lương từ ngân sách lớn như Việt Nam (với 7 triệu cán bộ công chức).

Nên mỗi lần điều chỉnh lương cơ bản, dù chỉ vài trăm ngàn, thì tổng số ngân sách chi cho tiền lương lên tới vài chục ngàn tỷ đồng.

Nhận thấy rõ bộ máy cồng kềnh lâu nay, nhưng lạ là bao năm qua số người hưởng lương ngày càng tăng, bộ máy tuy giảm đầu mối nhưng vẫn phình to. Hiện đầu mối các bộ giảm, nhưng tổng cục và tương đương lại đang tăng mạnh.

Ngoài ra, còn khá nhiều khoản có thể tiết kiệm, điển hình nhất là xe công. Theo báo cáo mới đây của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tại Quốc hội, đến giữa năm 2012, cả nước có khoảng 32.000 ôtô công, trị giá 15.000 tỷ đồng, tuy chỉ chiếm 1,9% trong kho tài sản chung của Nhà nước, nhưng lại đang là khoản sử dụng lãng phí nhất.

Từ năm 2006, Bộ Tài chính đã thí điểm khoán sử dụng xe công, để có thể tổ chức khoán sử dụng xe công rộng rãi tại các cơ quan nhà nước từ năm 2007, nhưng không hiểu sao, chương trình này “chết yểu”.

Theo tính toán của ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - quan chức hàm thứ trưởng đầu tiên xin khoán sử dụng xe công, thời điểm 2006, mỗi tháng ông có thêm 4,5 triệu đồng từ tiền thôi dùng xe công.

Bản thân ông Thuận được thêm khoản chi tiêu, còn nhà nước cũng tiết kiệm được cả chục triệu đồng trên mỗi đầu xe công một tháng. Và nếu chỉ thực hiện khoán xe công vào lương, thì mỗi năm nhà nước tiết kiệm được vài ngàn tỷ đồng.

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp quản trị khôn ngoan thường không chọn cách cắt giảm lương, mà thường chọn cách tiết kiệm chi phí từ việc cắt giảm nhân sự không cần thiết hoặc kém hiệu quả; cùng đó là cắt giảm những chi phí không cần thiết.

Như vậy, mới giữ được chân người tài, nâng cao hiệu quả của lao động. Còn việc giảm hoặc không tăng lương chỉ là đối sách tình thế, vô hình trung đẩy bộ máy công quyền hoạt động kém hiệu quả hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG