Hé lộ vụ nổ bồn chứa hạt nhân khiến 10.000 người nhiễm xạ

Thành phố Ozyorsk ngày nay. Ảnh: Wikipedia.
Thành phố Ozyorsk ngày nay. Ảnh: Wikipedia.
Sự cố bồn chứa chất thải hạt nhân ở nhà máy Mayak phát nổ là một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử.

Cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh từng nhiều lần suýt đẩy loài người vào thảm họa diệt vong. Một trong số đó là thảm họa phóng xạ ở nhà máy sản xuất plutonium tại thị trấn Mayak của Liên Xô vào ngày 29/9/1957. Sự cố này được xếp ở cấp độ 6 theo thang sự cố hạt nhân quốc tế, chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl và Fukushima, theo Vintage News.

Mayak, còn có tên khác là Ozyorsk, là một thành phố biệt lập tại tỉnh Chelyabinsk, không có tên trên bản đồ chính thức của Liên Xô. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động bí mật, cũng là địa điểm đặt một nhà máy hạt nhân mà Liên Xô không muốn công khai.

Sau Thế chiến II, quan hệ Liên Xô và phương Tây xấu đi nhanh chóng. Các nhà khoa học Liên Xô gặp không ít thách thức về công nghệ trong nỗ lực bắt kịp Mỹ trong cuộc đua hạt nhân. Lo ngại thua kém Mỹ trong việc sản xuất uranium và plutonium cấp độ vũ khí khiến lãnh đạo Liên Xô triển khai mọi nguồn lực cho chương trình này.

Nhà máy hạt nhân Mayak, dự án tham vọng của Liên Xô, được xây dựng chóng vánh trong giai đoạn 1945-1948. Quá trình hoàn thiện nhà máy quá nhanh khiến những yếu tố quan trọng nhất như hệ thống làm mát và phương án xử lý rác thải hạt nhân bị xem nhẹ. Ngay khi nhà máy đi vào vận hành, một lượng lớn chất thải phóng xạ nồng độ cao bắt đầu rò rỉ xuống sông Ob gần đó, gây ô nhiễm nặng và ảnh hưởng tới người dân trong vùng.

Năm 1953, chính phủ Liên Xô mới tiến hành nhiều biện pháp an toàn đặc biệt để kiểm soát lượng chất thải hạt nhân của nhà máy, vốn đã lên đến hàng tấn. Nhiều bể chứa bằng sắt được chế tạo chứa chất thải phóng xạ rồi chôn sâu khoảng 8 m dưới lòng đất. Để kiểm soát nhiệt độ trong bể chứa, các kỹ sư lắp thêm máy điều hòa làm mát xung quanh. Ý tưởng này dường như là để ngăn chất thải nhiễm vào nguồn nước.

Tuy nhiên, dấu hiệu đầu tiên của thảm họa xuất hiện vào năm 1956, khi một bể chứa bắt đầu nóng lên. Nhiệt độ bể này tiếp tục tăng, trong khi các bể chứa khác cũng bắt đầu rơi vào trạng thái nguy hiểm.

Một năm sau, tình hình trở nên mất kiểm soát, gây ra một vụ nổ có sức công phá tương đương 100 tấn thuốc nổ TNT, xé toang các lớp tường nhà máy và phá hủy khu vực xung quanh. Trong vòng 11 tiếng tiếp theo, đám mây phóng xạ phát ra từ vụ nổ đã lan rộng thành một "vệt tử thần" gây ô nhiễm khu vực rộng 52.000 km2, chủ yếu là các khu dân cư.

Hé lộ vụ nổ bồn chứa hạt nhân khiến 10.000 người nhiễm xạ ảnh 1

Đám mây phóng xạ lan ra từ vụ nổ. Đồ họa: Wikipedia.

Trước khi đám mây phóng xạ tan hoàn toàn, nó đã ảnh hưởng đến lượng lớn dân cư ở 22 ngôi làng. Thương vong trong thảm họa này chưa bao giờ được công bố, nhưng theo các nguồn tin độc lập, con số này có thể lên tới 10.000 người, chủ yếu vì ung thư và các bệnh rối loạn gene do nhiễm phóng xạ. Do thị trấn Mayak không có trên bản đồ, thảm họa này được đặt tên theo thị trấn Kyshtym gần đó.

Cuối năm 1957, Liên Xô thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra nguyên nhân sự cố. Lực lượng kỹ thuật viên tại nhà máy, những người không bảo đảm hoạt động của các bể chứa chất thải, đều bị quy kết trách nhiệm, nhưng chỉ có giám đốc nhà máy Mayak bị trừng phạt vì tội "buông lỏng kỷ luật công nghiệp", sau đó phải chuyển công tác tới Siberia.

Các tài liệu chính thức của Liên Xô và Nga sau này đều không gọi đây là một tai nạn, mà sử dụng cụm từ "tình trạng ô nhiễm khẩn cấp do con người gây ra" để mô tả sự cố tại Mayak.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG