Hé lộ về bài thi Ngữ Văn đạt 9,75 điểm

Hé lộ về bài thi Ngữ Văn đạt 9,75 điểm
TPO - Trao đổi với Tiền Phong sáng 10/7, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, các bài thi THPT đạt điểm 10 đã xuất hiện ở nhiều môn, kể cả môn Toán. Riêng môn Ngữ văn có 1 thí sinh đạt 9,75.

Cũng theo ông Tường,  các môn có tỉ lệ trên trung bình (từ 5 điểm) cao nhất là: Giáo dục công dân: 97,6%; Ngữ văn: 75,09%; Địa lí: 74,66%. Các môn có tỉ lệ trên trung bình thấp nhất là: Ngoại ngữ: 17,01%; Lịch sử: 20,36%. Các môn còn lại, tỉ lệ trên trung bình nằm trong khoảng từ 42% đến 55%.

Nhận xét về bài văn duy nhất đạt 9,75 điểm của tỉnh Phú Thọ, Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà – Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ)- cán bộ chấm thi môn Ngữ văn cho rằng đã trải qua 28 năm trong nghề dạy học, đã từng tham gia chấm thi ngót 20 năm, nhưng những bài thi của học sinh để lại ấn tượng sâu sắc như bài thi này quả thực chưa có. 

“Tôi đã đọc đi đọc lại bài thi ấy trong sự thích thú trước khi đặt bút chấm điểm 9,75”- cô Hà nhấn mạnh.

Cô Hà cho rằng, đó là một bài thi có nét chữ rất đẹp, viết kín 2 tờ giấy thi mà nét chữ của trang cuối vẫn đẹp đẽ ngay ngắn như trang đầu: “Điều khiến tôi ấn tượng là bài làm của em học sinh này thỏa mãn gần như tuyệt đối các yêu cầu trong đáp án, và ngoài ra còn thể hiện rất rõ một khả năng tư duy lôgic, một sự sáng tạo”- cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, ở phần đọc hiểu, cả 4 câu hỏi em học sinh này đều trả lời đúng yêu cầu của đáp án. Những câu hỏi có tính phân loại câu trả lời của em đều thể hiện một năng lực vượt trội, cho thấy hiểu biết xã hội sâu sắc, một quan điểm rõ ràng và một khả năng diễn đạt mạch lạc thuyết phục.

Ở phần làm văn, trong câu 1 viết đoạn văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, em học sinh này đã làm tôi ngạc nhiên và thích thú khi thể hiện một vốn kiến thức xã hội sâu rộng. 

“Trái với  dư luận trên một số trang mạng xã hội cho rằng đề thi đề cập đến một vấn đề vĩ mô, vượt quá tầm học sinh, bài viết này đã cho thấy, em học sinh đã hiểu rất rõ khái niệm tiềm lực, sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước”- cô Hà nhận xét.

Cô Hà cho rằng, không chỉ lí giải thuyết phục em còn đưa ra được những minh chứng thật tiêu biểu, nóng hổi tính thời sự trong đời sống xã hội hôm nay về vấn đề thức dậy những tiềm lực đất nước. 

Đặc biệt nói về vai trò đánh thức tiềm lực em đã tránh được cách liên hệ sáo mòn, công thức mà nhiều học sinh mắc phải để đưa ra một quan điểm thật táo bạo, thiết thực trong tình hình xã hội hôm nay: đó là đánh thức tiềm lực không phải là quấy động phong trào, đánh thức tiềm lực không được thiếu tỉnh táo và sáng suốt, đánh thức tiềm lực cũng cần phải phù hợp với thực tiễn và văn hóa nước nhà…. 

“Nếu không thực sự quan tâm đến các vấn đề đời sống xã hội chính trị của đất nước, tôi chắc em học sinh đó không thể viết như vậy:”- cô Hà khẳng định.

Cô Hà cũng chỉ ra, không chỉ có vậy, bài thi của em học sinh này còn thuyết phục giám khảo bằng một bài văn nghị luận văn học sắc sảo ở câu 2 của phần làm văn.

“Bài văn cuốn hút người đọc ngay từ những câu mở đầu với cách giới thiệu vấn đề nhuần nhị, tự nhiên, ngắn gọn mà đủ ý. Các luận điểm trong bài được triển khai thật rành mạch, liên kết chặt chẽ. Kiến thức lí luận kết hợp với lời phân tích bình giảng khéo léo, thuyết phục. Vấn đề đặt ra ở đề bài được giải quyết sáng tạo, thấu đáo làm thỏa mãn người đọc’- cô Hà nhấn mạnh. 


MỚI - NÓNG