Hé lộ nguyên nhân Triều Tiên muốn đàm phán liên Triều

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.
TPO - Chia rẽ quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn là nguyên nhân cốt yếu thôi thúc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nối lại các cuộc đàm phán với Hàn Quốc chỉ trong vòng một thời gian ngắn.

Trong suốt năm 2017, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã "gây sốc" cho toàn thế giới với việc thử hạt nhân có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay và ra lệnh phóng một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên ngay đầu năm mới 2018, ông Kim Jong-un đã thể hiện sự thiện chí với Hàn Quốc bằng cách tuyên bố sẵn sàng phá vỡ hiện trạng đóng băng quan hệ Triều-Hàn trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2018.

Ngay sau đó, Triều Tiên và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc liên qua qua đường dây nóng. Đặc biệt, hôm 9/1 vừa qua, các quan chức Triều Tiên đã thực hiện cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên với các đối tác Hàn Quốc trong vòng hơn 2 năm qua.

Kết quả đối thoại là một thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng sẽ cử một phái đoàn tới tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 được Seoul tổ chức từ ngày 9-25/2 tới, cũng như việc hai bên tổ chức cuộc đàm phán về quân sự.

Chia rẽ quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un nối lại các hoạt động ngoại giao với Hàn Quốc là một tín hiệu lạc quan đối với Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, điều này không đồng nghĩa với sự thay đổi chiến lược của chính quyền Bình Nhưỡng.

Các nhà phân tích nhận định, việc Triều Tiên mở cửa đối thoại với Hàn Quốc là một tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, không có gì trong đó cho thấy Triều Tiên có ý định làm chậm tiến trình sản xuất tên lửa và đầu đạn hạt nhân mạnh chưa từng có, đặc biệt những thiết bị có thể cho phép Bình Nhưỡng tấn công Mỹ.

Thay vào đó, Bình Nhưỡng dường như đang theo đuổi một chiến lược có chủ ý và ngày càng thành công hơn nhằm chia rẽ Washington và Seoul.

Thật vậy, Seoul và Washington từ lâu đã là đồng minh, với việc hai bên ký một hiệp ước phòng thủ chính thức từ khi hai miền Triều Tiên chấm dứt chiến tranh năm 1953. Việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Hàn Quốc được coi là sự sống còn của Seoul. Tuy nhiên, hai nước lại có những ưu tiên khác nhau.

Washington và chính quyền Trump nói riêng đã nói rõ rằng, mục tiêu quan trọng nhất của họ là ngăn Triều Tiên có được khả năng tấn công lục địa Mỹ. Đặc biệt, Washington sẽ không vui nếu Hàn Quốc có thể bị thuyết phục nối lại các quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Triều Tiên, ví dụ bằng việc mở lại một số khu công nghiệp chung liên Triều. Bởi chiến lược của Washington nhằm buộc Bình Nhưỡng làm chậm lại tham vọng hạt nhân chủ yếu phụ thuộc vào việc cô lập kinh tế của Triều Tiên.

Trong khi đó, Hàn Quốc lại nằm trong tầm tấn công của kho vũ khí thông thường, hạt nhân, hóa học và sinh học của Triều Tiên. Thật ra, mục tiêu số 1 của Hàn Quốc vẫn là thuyết phục Mỹ không thực thi bất cứ hành động đơn phương nào. Thủ đô Seoul nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên và các dự báo của Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng ông Kim có thể giết hại tới 20.000 người Hàn Quốc mỗi ngày ngay cả khi không triển khai vũ khí hạt nhân.

Điều đó cho thấy không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc muốn chỉ cho ông Trump biết rằng ông không nên liều lĩnh làm bất cứ điều gì có thể kích động lại chiến tranh.

Vì vậy, mặc dù một số quan chức Mỹ có thể mạo hiểm hoặc thậm chí thích sử dụng chiến tranh để ngăn chặn mối đe dọa trong tương lai nhằm vào lục địa Mỹ, song Seoul lại không mong muốn một chiến lược đầy rủi ro như vậy.

Mặt khác bằng việc thúc đẩy đàm phán với Hàn Quốc, chính quyền của ông Kim Jong-un muốn làm phức tạp vị thế của chính quyền Tổng thống Donald Trump, qua đó khiến cho các hành động đe dọa sử dụng vũ lực, và các hành động quân sự trực tiếp của Mỹ chống lại chính quyền Bình Nhưỡng trở nên khó khăn hơn, nếu không phải là bất khả thi.

MỚI - NÓNG