Hé lộ lý do bùng phát xung đột Mỹ - Triều bốn thập niên trước

Căng thẳng giữa Mỹ - Hàn với Triều Tiên năm 1976 vì một cây bạch dương có thể là bài học xử lý khủng hoảng cho ông Trump hiện nay.

Sáng 15/9, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản. Tokyo cho biết tên lửa Triều Tiên bay qua Hokkaido và rơi xuống khu vực cách đó 2.000 km về hướng đông. Đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật.

Trước đó, hồi đầu tháng, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, mạnh nhất từ trươc tới nay, và bị cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án.

Hé lộ lý do bùng phát xung đột Mỹ - Triều bốn thập niên trước ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Lệnh trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài, yêu cầu các nước thuê lao động Triều Tiên thông báo ngày hết hạn hợp đồng hiện có. Nghị quyết còn cho phép các nước kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên bị cấm nhưng trước hết phải được quốc gia sở hữu tàu đó đồng ý.

Song các biện pháp trừng phạt dường như vẫn không thể kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Trước những hành vi khiêu khích từ Bình Nhưỡng, giới quan sát thậm chí nghĩ tới viễn cảnh chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các cố vấn an ninh hàng đầu khẳng định Washington có sẵn những biện pháp quân sự nhằm đối phó với Triều Tiên và nếu thực sự phải dùng đến, quy mô của chúng sẽ rất lớn. Tuy nhiên, trước khi Tổng thống Trump đưa ra bất kỳ quyết định nào, ông có lẽ nên xem xét một sự kiện từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh để lấy đó như một gợi ý trong cách xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên, theo First Post.

Cây bạch dương thổi bùng xung đột

Vào đúng thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào, Mỹ và Triều Tiên đã vướng vào một cuộc xung đột căng thẳng đến mức suýt dẫn tới chiến tranh toàn diện.

Ngày 18/8/1976, hai binh sĩ quân đội Mỹ bị hai lính Triều Tiên giết hại tại khu phi quân sự (DMZ) vì cố chặt một cây bạch dương do nó chắn tầm nhìn của những nhà quan sát Liên Hợp Quốc. Triều Tiên lên án Mỹ "gây hấn" và yêu cầu ngay lập tức giải tán bộ chỉ huy quân sự do Liên Hợp Quốc dẫn đầu.

Mỹ khi ấy đã chọn cách thị uy sức mạnh thay vì đối đầu quân sự trực tiếp với Triều Tiên, bởi nếu đối đầu quân sự, Liên Xô có thể sẽ can thiệp và biến xung đột thành một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ba ngày sau vụ việc, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc phát động Chiến dịch Paul Bunyan, chặt cây bạch dương, tâm điểm căng thẳng, nhằm phô diễn sức mạnh. Ít nhất 30 binh sĩ, trang bị súng ngắn, mang theo rìu cầm tay, đã đốn hạ cái cây trong vòng chưa đầy 45 phút. Các lực lượng Mỹ nâng cảnh báo an ninh lên mức DEFCON 3, mức cao nhất. Triều Tiên lúc bấy giờ điều động 150 - 200 lính sẵn sàng trực chiến.

Song phía Triều Tiên dường như bị choáng váng bởi dàn trực thăng AH-1 Cobra, được hộ tống bởi các oanh tạc cơ B-52 Mỹ bay cùng các tiêm kích F-4 và F-5 Hàn Quốc, mà Mỹ điều động quần thảo trên bầu trời biên giới phía Hàn Quốc. Các tiêm kích F-111 và những tiêm kích khác trên đường băng ở Hàn Quốc cũng sẵn sàng xuất kích, trong khi một tàu sân bay Mỹ đã di chuyển đến khu vực. Ngoài ra, lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh Mỹ cũng sẵn sàng yểm trợ.

Triều Tiên sau đó tỏ ý hối tiếc về việc binh sĩ Mỹ bị giết hại. Hai bên cuối cùng tránh được một cuộc đối đầu quân sự toàn diện.

Hé lộ lý do bùng phát xung đột Mỹ - Triều bốn thập niên trước ảnh 2

Lính Triều Tiên từ trên xe tải lao xuống tấn công nhóm công nhân và lính Hàn Quốc, Mỹ. Ảnh: History

Theo Politico, năm 1976, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã thành công trong việc "đe dọa" Triều Tiên để xung đột liên quan đến cây bạch dương không biến thành một cuộc chiến tranh đẫm máu. Thái độ thù địch cũng như những hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng không phải điều gì quá mới mẻ. Vì vậy, bài học từ cách đây hơn 4 thập kỷ có lẽ vẫn còn nguyên giá trị, giới phân tích nhận định.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng đặt trong bối cảnh hiện tại, bài học trên chỉ có giá trị tham khảo bởi thị uy sức mạnh đơn lẻ không thể khiến Bình Nhưỡng thay đổi vì Triều Tiên giờ đây đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nắm giữ quân bài mặc cả đầy uy lực. Bằng chứng là dù liên tục bị cộng đồng quốc tế lên án, đứng trước những cảnh báo trừng phạt nghiêm khắc từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn không ngần ngại tiến hành các vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân khiêu khích.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG