Hé lộ 'danh sách tử thần' của tình báo Israel

Trong suốt những năm qua, tình báo Israel đã dồn hết sức để tiêu diệt 5 nhân vật đứng đầu trong danh sách ám sát của họ. Được biết, bản "danh sách tử thần" này được lập từ năm 2004.

Hé lộ 'danh sách tử thần' của tình báo Israel

Trong suốt những năm qua, tình báo Israel đã dồn hết sức để tiêu diệt 5 nhân vật đứng đầu trong danh sách ám sát của họ. Được biết, bản "danh sách tử thần" này được lập từ năm 2004.

Một sĩ quan tình báo Israel giấu tên cho biết: "Chúng ta đang nói đến các tổ chức và con người liên quan đến hoạt động hạt nhân và khủng bố. Họ không chỉ thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau cho quốc gia mà còn tạo dựng một mạng lưới quốc tế hiệu quả và nguy hiểm.

Mục tiêu của liên minh “Mặt trận cực đoan” (bao gồm hai quốc gia Syria và Iran, cùng với 3 tổ chức: Hezbollah, Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Hamas) là xây dựng quả bom hạt nhân và các lọai tên lửa khác nhau từ tầm ngắn cho đến tầm xa cũng như tiến hành những cuộc tấn công khủng bố liều chết ở mức độ cao nhất. Mục tiêu của Israel là tiêu diệt những nhân vật này - từng người một”.

Đây không phải là lần đầu tiên Israel đối mặt với những kẻ thù được đánh giá là rất hùng mạnh, và giới chức tình báo Mossad cũng như tình báo quân đội Aman nước này cho rằng đó là mạng lưới thù địch vô cùng phức tạp, có sự phối hợp rất chặt chẽ.

Trở lại năm 2004, Mossad bắt đầu xác định danh tính nhiều nhân vật cao cấp bên trong liên minh "Mặt trận cực đoan" - những người có đầy đủ các khả năng chỉ huy, tổ chức và công nghệ. Kế đến là những phần tử trong các nhóm cực đoan chịu trách nhiệm hành động.

Đứng đầu trong danh sách ám sát của tình báo Israel là Imad Mughniyeh, thủ lĩnh quân sự tối cao của Hezbollah và tướng Muhammad Suleiman - nhân vật chỉ huy các dự án mật của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bao gồm kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân, và chịu trách nhiệm củng cố mối quan hệ giữa Syria đối với Iran và Hezbollah.

Kế tiếp trong danh sách ám sát của Israel là 3 nhân vật bao gồm tướng Hassan Tehrani Moghaddam, lãnh đạo chương trình phát triển tên lửa cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và cung cấp tên lửa cho Hezbollah, Hamas cũng như Thánh chiến Hồi giáo Palestine.

Thứ hai là Mahmoud al-Mabhouh, quan chức Hamas chịu trách nhiệm xây dựng mối quan hệ chiến thuật với Iran; và cuối cùng là Hassan Lakkis (hồ sơ Cục Điều tra liên bang Mỹ - FBI - gọi là Haj Hassan Hilu Laquis).

Ngay từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tổ chức tình báo quân đội Aman của Israel đã xác định Hassan Lakkis là chuyên gia phát triển vũ khí cực kỳ lợi hại của Hezbollah. Trong một bài viết về cái chết của Lakkis, tờ Daily Star của Liban gọi ông ta là "nhân vật chủ chốt trong chương trình máy bay không người lái của Hezbollah".

Hassan Lakkis.
 

Theo hồ sơ Aman, Lakkis tham gia hoạt động trong phong trào Shiite cực đoan từ năm 19 tuổi. Nhờ vào khả năng phát triển và chế tạo vũ khí của Lakkis mà Hezbollah trở thành tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất, hơn cả Al-Qaeda, với hỏa lực vô cùng mạnh - theo Meir Dagan, cựu lãnh đạo Mossad.

Aman cho rằng Lakkis là mục tiêu tiềm tàng cần được tiêu diệt. Vào thời gian này, tình báo Israel chưa coi Hezbollah là mục tiêu ưu tiên và đánh giá tổ chức này chỉ là mối phiền toái hơn là mối đe dọa chiến lược.

Theo cuốn sách "Cuộc chiến tranh bí mật với Iran" của tác giả Ronen Bergman, chính quyền Canada và Mỹ phát lệnh truy nã đối với Hassan Lakkis vì tội điều hành các nhóm Hezbollah ở hai quốc gia này vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Các phần tử Hezbollah người Liban này - sống ở Vancouver, North Carolina và Michigan - kiếm tiền bằng hoạt động làm giả visa, giấy phép lái xe và thẻ tín dụng.

Lakkis cung cấp nhiều tiền cho các phần tử này để mua sắm các thiết bị hiện đại như là hệ thống định vị GPS, thiết bị nhìn ban đêm và cả áo chống đạn.

Sau khi nhận được thông tin từ tình báo Israel, FBI và Cơ quan Tình báo CSIS của Canada tổ chức nhiều chiến dịch truy quét các nhóm Hezbollah dẫn đến việc bắt giam một số tên với tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp và âm mưu tấn công các mục tiêu người Do Thái.

Vào thời gian đó, do biết được thông tin về những chiến dịch của FBI và CSIS cho nên Lakkis đã hủy chuyến bay đến Mỹ.

Trong các cuộc gọi điện thoại cuối cùng mà FBI ghi âm được, Lakkis khiển trách các phần tử ở Bắc Mỹ đã không làm gì có lợi cho Hezbollah trong khi nhiều thành viên của tổ chức ở Liban liên tục bị tình báo Israel tấn công.

Sau khi Israel rút quân khỏi Liban vào tháng 5/2000, Hezbollah bắt đầu tập trung xây dựng quân đội hùng mạnh và chuẩn bị cho chiến dịch lớn chống Israel.

Hassan Lakkis và Imad Mughniyeh, thủ lĩnh quân sự của Hezbollah, xây dựng một mạng lưới phức tạp các công sự ở miền Nam Liban để phục vụ hai mục đích: bảo toàn lực lượng trước sự tấn công của Israel mà họ dám chắc chẳng sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra; đồng thời duy trì khả năng bắn tên lửa thật nhiều vào các cộng đồng của người Israel.

Thực tế cho thấy kế hoạch của Lakkis và Mughniyeh đã thành công. Mùa hè năm 2006, quân đội Israel - lực lượng được đánh giá là mạnh nhất ở khu vực Trung Đông - thất trận thảm hại trong cuộc chiến với Hezbollah một phần nhờ các công sự được trang bị các hệ thống liên lạc, kiểm soát và ống kính nhìn ban đêm cực kỳ hiện đại.

Ngày 20/7/2006, chiếc máy bay F-16 của Israel bắn tên lửa xuống căn hộ của Hassan Lakkis ở thủ đô Beirut của Liban nhưng ông ta không có mặt ở nhà và chỉ có con trai của Lakkic bị thiệt mạng.

Cuộc chiến năm 2006 - được gọi là "Cuộc chiến Liban thứ 2" của Israel để phân biệt với cuộc chiến mà Israel phát động chống lại PLO (Tổ chức giải phóng Palestine) ở Liban năm 1982 - là thành quả đỉnh cao của sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên hàng đầu trong liên minh "Mặt trận cực đoan". Nhưng cũng kể từ đó tình báo Israel dồn hết sức để tiêu diệt những đối thủ đáng gờm của nước này.

Imad Mughniyeh bị sát hại bởi một quả bom trong xe của ông ta ở thủ đô Damascus, Syria vào tháng 2/2008; Muhammad Suleiman bị một xạ thủ bắn tỉa tiêu diệt trên một bãi biển ở Syria vào tháng 8 cùng năm; Mahmoud al-Mabhouh bị đầu độc chết trong một phòng khách sạn ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vào tháng 1/2010; tướng Hassan Tehrani Moghaddam cùng với 16 người khác bị giết chết trong vụ nổ tại căn cứ tên lửa gần thủ đô Tehran của Iran vào ngày 12/11/2011.

Và, mới đây nhất là vào ngày 3/12, Hassan Lakkis bị 2 người đàn ông bịt mặt ám sát trong nhà để xe căn hộ của ông ta ở vùng ngoại ô Beirut. Sau vụ ám sát Hassan Lakkis, Hezbollah nhanh chóng buộc tội Israel và chính quyền nước này cũng phủ nhận nhanh không kém.

Tuy nhiên, những vụ ám sát thành công của Israel đã gây ra những hậu quả không kém phần dữ dội. Ví dụ như vụ ám sát quan chức Abbas al-Musawi của Hezbollah năm 1999. Những cuộc tấn công trả đũa sau đó nhằm vào lãnh thổ Israel và những mục tiêu người Do Thái đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và càng giúp cho Hezbollah trở nên cực đoan hơn, hiệu quả hơn sau khi Hassan Nasrallah lên nắm quyền lãnh đạo tổ chức. Do đó mà chiến dịch ám sát của Israel nên được coi là phương sách cuối cùng.

Liên minh "Mặt trận cực đoan" đang có nhiều thay đổi trong thời gian sau này. Iran đã có sự thỏa hiệp với phương Tây sau nhiều năm chịu đựng sự trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, Hezbollah cũng đã có những thay đổi về chính trị và chiến thuật từ khi công khai đứng bên cạnh Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria và gửi binh sĩ đến nước này

Theo Diên San
An ninh thế giới

Theo Đăng lại