75 năm trước, phát xít Đức bắt đầu tung đòn tấn công quyết định vào Sevastopol, thành phố cảng trên bán đảo Crimea, nơi họ đã vây hãm từ mùa thu năm 1941. Trên thực tế, trận tử thủ tại Sevastopol đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp Liên Xô đánh bại phát xít Đức sau này, theo War Is Boring.
Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho rằng vị trí chiến lược của Sevastopol và các nhà máy lọc dầu tại Romania khiến nó trở thành mục tiêu ưu tiên của bộ chỉ huy tối cao Đức sau khi xâm lược Liên Xô tháng 6/1941. Tuy nhiên, đợt tấn công ban đầu không thể chiếm thành phố, nên Đức chuyển sang vây hãm cho đến khi tổ chức tấn công quy mô lớn vào tháng 6/1942.
Trong giai đoạn này, không quân Đức huy động khoảng 600 máy bay, tiến hành hàng nghìn vụ không kích mục tiêu mặt đất và trên biển, thả hàng nghìn quả bom gây cháy xuống thành phố một cách bừa bãi. Mục tiêu chính của các trận không kích là xóa sổ căn cứ không quân của Liên Xô tại đây.
Sevastopol bị cô lập ở mọi phía trừ hướng biển, khiến ưu tiên hàng đầu của Đức là quấy rối các biên đội tàu chở hàng tiếp tế và quân tăng cường thuộc Hạm đội Biển Đen. Tuy nhiên, việc thiếu bom và nhiên liệu khiến chiến dịch này không hiệu quả. Không quân Đức phải điều chỉnh chiến thuật, chuyển sang tấn công mục tiêu có chọn lựa như hầm ngầm và căn cứ hậu cần.
Nếu không ném bom, nhiều khả năng cuộc vây hãm Sevastopol sẽ kéo dài, khiến bộ binh Đức chịu tổn thất lớn hơn. Lực lượng hải quân phe Trục tham gia trận đánh này chỉ gồm một nhóm nhỏ tàu ngư lôi và tàu ngầm duyên hải của Italy.
Mặt trận phía đông trong giai đoạn Sevastopol bị vây hãm. Ảnh: Wikipedia.
Cuộc chiến trên bộ ở Sevastopol diễn ra rất ác liệt khi có tới 18.000 lính Hồng quân Liên Xô, 18.000 lính Đức và hơn 1.500 quân Romania thiệt mạng, cùng hàng chục nghìn người bị thương ở cả hai phe.
Hồng quân Liên Xô có thời gian lập thế trận phòng ngự ở hướng đông và hướng bắc. Phía sau họ là biển, lớp phòng thủ tự nhiên bảo vệ bên sườn. Ngoài ra, địa hình gồ ghề với nhiều ngọn đồi xung quanh thành phố mang lại nhiều lợi thế cho lực lượng phòng thủ. Hồng quân Liên Xô cũng bố trí nhiều khẩu pháo, buộc quân Đức phải đánh theo ý đồ của họ.
Trận đánh này cũng là lần hiếm hoi Đức triển khai siêu pháo hạng nặng Gustav nặng 1.490 tấn, sử dụng đạn kích cỡ 787 mm và đạt tầm bắn 32 km. Đạn cho pháo Gustav có hai biến thể là nổ mạnh (HE) nặng 5 tấn và xuyên giáp nặng 7 tấn. Thành phố cảng chiến lược Sevastopol và các thành trì phòng thủ của Liên Xô đều là mục tiêu hoàn hảo cho siêu pháo Gustav.
Phát xít Đức đặt pháo vào tầm bắn hiệu quả, sau khi chuyển các bộ phận của nó trên 25 chuyến tàu đến vị trí đã định. Khoảng 3.800 lính chuẩn bị địa điểm đặt pháo trong 4 tuần, gồm cả việc đào một đường hầm dài để ngụy trang vũ khí giữa các loạt bắn.
Quân Đức đã bắn 48 phát đạn từ khẩu Gustav, san phẳng các công sự bờ biển, ụ pháo được gia cố và kho đạn ở Sevastopol. Tuy nhiên, bộ binh Đức bị kéo vào một cuộc chiến tiêu hao sinh lực. Sau khi tuyến phòng thủ mạnh của Liên Xô ở phía bắc Sevastopol bị chọc thủng trong giai đoạn 18-23/6, quân Đức xâm nhập qua vịnh Sevastopol và chiếm nhà máy điện thành phố trong 5 đêm tiếp theo.
Siêu pháo Gustav được dùng trong cuộc tấn công vào Sevastopol. Ảnh: Wikipedia.
Phần còn lại của lực lượng phòng thủ thoát ly bằng đường biển sau đó. Đức giành chiến thắng trong trận Sevastopol với cái giá rất đắt.
Phe trục bắt đầu tấn công Stalingrad hai tháng sau khi chiếm được Sevastopol. Chiến dịch phòng thủ ở thành phố này đã bẻ gẫy một mũi tấn công lớn của Đức nhằm vào Stalingrad. Sự phản kháng của Liên Xô buộc tập đoàn quân phía nam của phát xít Đức phải triển khai Quân đoàn số 11 dưới chỉ sự huy của tướng Erich von Mainstein để đối phó.
Việc Quân đoàn số 11 không thể tham gia tấn công Stalingrad, chiến dịch vốn cần nhiều quân số, khiến Quân đoàn số 6 của Đức bị xóa sổ hoàn toàn trong chiến dịch phản công mang tên Thiên vương tinh của Liên Xô mùa đông năm 1942. Thất bại thảm họa ở Stalingrad của Đức là mốc xoay chuyển cục diện chiến trường châu Âu, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít Đức năm 1945.
Trận phòng ngự ở Sevastopol của Hồng quân Liên Xô thất bại nhưng giúp họ có thêm thời gian quý giá để củng cố lực lượng, trước khi phản công đẩy lùi và đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II, chuyên gia Beckhusen nhấn mạnh.