Hé lộ bản yêu sách khiến hội nghị Trump - Kim tại Hà Nội không đạt thỏa thuận

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hôm 28/2. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hôm 28/2. Ảnh: Reuters.
Tài liệu được cho là có 5 điểm chính, bao gồm đề nghị Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân tới Mỹ, khiến Kim Jong-un cảm thấy bị khiêu khích.

Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Triều Tiên bản yêu sách thể hiện lập trường của Washington. 

Đây được cho là lần đầu tiên Trump đích thân nêu rõ quan điểm của ông về phi hạt nhân hóa với Kim. Bản yêu sách kêu gọi Bình Nhưỡng "tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân, từ bỏ chương trình vũ khí hóa sinh, phá hủy tên lửa đạn đạo, bệ phóng cũng như những cơ sở liên quan".

Ngoài lời kêu gọi Triều Tiên chuyển giao vũ khí hạt nhân và nhiên liệu sản xuất bom, tài liệu còn có 4 điểm chính khác. Washington đề nghị Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố toàn diện về chương trình hạt nhân của mình và cung cấp đầy đủ quyền tiếp cận cho các thanh sát viên Mỹ và quốc tế; ngừng xây dựng bất kỳ cơ sở mới nào cũng như toàn bộ hoạt động liên quan; phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng hạt nhân; điều các nhà khoa học và kỹ thuật viên của chương trình hạt nhân sang hoạt động thương mại.

Sự tồn tại của bản yêu sách này từng được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đề cập trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, ông không tiết lộ về ý định chủ chốt của Washington nêu trong tài liệu, đó là muốn Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch tới Mỹ.

Tài liệu này dường như đại diện cho quan điểm cứng rắn lâu nay của Bolton về phi hạt nhân hóa theo "mô hình Libya", điều mà Triều Tiên kiên quyết cự tuyệt. Giới phân tích cho rằng Kim Jong-un có thể coi đây là sự xúc phạm và khiêu khích.

Trump từng đưa ra những bình luận khác với cách tiếp cận của Bolton, khẳng định "mô hình Libya" sẽ chỉ được áp dụng trong trường hợp Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận. Bolton lần đầu đề xuất ý tưởng yêu cầu Triều Tiên giao nộp vũ khí hạt nhân vào năm 2004, sau đó tiếp tục theo đuổi quan điểm này khi Trump chỉ định ông làm cố vấn an ninh quốc gia năm ngoái.

Theo nguồn tin, bản yêu sách giúp Bình Nhưỡng nhận thức một cách rõ ràng và ngắn gọn về định nghĩa "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng" của Mỹ.

Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi về tài liệu này, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bolton đã "cản trở" những cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa lãnh đạo Mỹ - Triều "vì sự thù địch và ngờ vực tồn tại từ trước". Bà cho biết Bình Nhưỡng đang xem xét việc ngừng đàm phán với Washington sau những đề nghị "như côn đồ" của các quan chức Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018 cũng từng đứng bên bờ vực sụp đổ sau khi Triều Tiên từ chối yêu cầu của Bolton về việc tuân theo mô hình phi hạt nhân hóa tương tự Libya.

Các thiết bị trong chương trình hạt nhân của Libya được chuyển giao tới Mỹ hồi năm 2004. Tuy nhiên, 7 năm sau khi hai bên đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa, Mỹ đã tham gia chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu nhằm chống lại chính quyền của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Ông bị lực lượng phiến quân lật đổ và giết chết vào năm 2011.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG